Nhà Chu và chư hầu
Nhà Chu coi tất cả đất đai thuộc về thần thánh, và họ là những đứa con của thần thánh vì vậy tất cả đất đai và dân cư đều thuộc về họ. Thấy rằng đất đai mình chinh phục được quá rộng lớn để một người có thể cai trị, các vua nhà Chu đã chia đất đai thành những vùng và chỉ định một người nào đó để cai trị vùng đó dưới danh nghĩa của mình (được gọi là chư hầu), lựa chọn một người thân trong họ, một người có thể tin tưởng trong bè cánh, hay vị thủ lĩnh một bộ lạc đã cùng họ chống lại nhà Thương.
Chính sách của nhà Chu khá tương đồng với mô hình chính trị Âu châu thời Trung cổ, trong đó có rất nhiều tiểu quốc được thành lập, và phần lớn đều do con cháu của thiên tử làm lãnh đạo. Các lãnh đạo, hay lãnh chúa của các tiểu quốc đó đều nhận tước hiệu của nhà Chu. Tuyệt đại đa số các nước chư hầu đều được thành lập và thụ phong tước Hầu hay tước Tử trong thời Tây Chu, xem như họ đều là cánh tay nối dài của gia đình Chu Văn Vương. Chỉ trừ một số ít chư hầu khác là được thành lập dưới tiền triều Thương, như nước Trần và Tống.
Mỗi vị thủ lĩnh địa phương có quyền sắp đặt mọi vùng đất quanh mình và có lực lượng dân phòng riêng. Và nhà Chu ban cho họ những quà tặng như xe ngựa, vũ khí bằng đồng, người hầu và súc vật. Các vị tù trưởng này được phong các tước vị và cai quản vùng lãnh địa của mình như một tiểu quốc thần phục nhà Chu. Những vị vua địa phương này truyền ngôi cho con trai mình và tước vị của họ là cha truyền con nối. Và để cai trị vùng đất của mình tốt hơn, vị chư hầu đó lại phong những tước nhỏ hơn cho những người đã từng cầm đầu các nhóm dân ở nơi đó trước khi họ đến. Một hệ thống thứ bậc địa vị và trách nhiệm xuất hiện giữa và bên trong các gia đình, với việc anh lớn thì có quyền cao hơn em, với quy tắc kế tục theo đó những người đàn ông sẽ làm chủ gia đình. Nếu một người quý tộc đã có gia đình mà lại thích một người đàn bà khác, thay vì đuổi vợ khỏi nhà, ông ta có thể đưa người đàn bà kia vào trong gia đình với tư cách vợ lẽ, với cấp bậc thấp hơn vợ mình.