Đông Tấn (317-420) edit

Tấn Nguyên Đế cố thủ ở Giang Nam edit

Trong lúc Ngũ Hồ tràn vào Trung Nguyên, thân thuộc nhà Tấn bỏ chạy từ phía bắc về phía nam và tái lập nhà Tấn ở thành Kiến Khang, nằm ở phía đông nam Lạc Dương và Trường An, gần Nam Kinh ngày nay, dưới quyền Lang Nha Vương (琅邪王) Tư Mã Tuấn.

Từ năm 307, khi Loạn bát vương sắp kết thúc, Tư Mã Tuấn được Tư Mã Việt cử đi Dương Châu, cai quản vùng Giang Nam. Đi cùng Tư Mã Tuấn có văn thần Vương Đạo. Khi đến Giang Nam, Tư Mã Tuấn hoàn toàn dựa vào Vương Đạo về chính sách và anh họ Đạo là Vương Đôn về quân sự. Khi đó Giang Nam cũng vừa trải qua vụ biến loạn của Trần Mẫn, sau đó lại nổ ra cuộc nổi dậy của Đỗ Thao (311). Vương Đôn đánh dẹp cuộc nổi dậy của các tướng sĩ vùng trung du Trường Giang, trở thành lực lượng quân sự mạnh.

Vì phương bắc bị Ngũ Hồ đánh chiếm, nhiều thế tộc, nhân sĩ phương Bắc chạy xuống miền Nam theo Tư Mã Tuấn. Theo chủ trương của Vương Đạo, Tư Mã Tuấn ra sức lấy lòng nhân sĩ Giang Nam để củng cố hậu phương, không có ý định Bắc tiến đánh Ngũ Hồ. Tuy nhiên bề ngoài, ông vẫn tỏ ra hưởng ứng Bắc phạt để khôi phục Trung Nguyên . Triều đình Tây Tấn bị quân Hán Triệu uy hiếp mạnh mẽ. Năm 313, Tấn Mẫn Đế ở Trường An phát hịch kêu gọi các trấn cần vương, sai sứ đến Kiến Khang cầu viện. Tư Mã Tuấn theo lời Vương Đạo, lấy lý do phải lo đánh dẹp Đỗ Thao mà từ chối cần vương

Năm 316, tin Tấn Mẫn Đế bị quân Hán Triệu bắt truyền tới, các tướng gốc phương Bắc, đứng đầu là Tổ Địch kiên quyết đề xướng Bắc tiến, nhưng Tư Mã Tuấn chỉ ủng hộ bề ngoài. Ông mặc áo giáp ra trước hàng quân, như chuẩn bị làm lễ ra quân, nhưng sau đó lấy lý do thiếu lương, mang một viên quan nhỏ phụ trách việc lương ra chém, rồi trì hoàn luôn việc Bắc phạt. Tổ Địch tự mình phải xoay xở việc quân lương đi đánh Ngũ Hồ, cũng chỉ được cấp phát ít lương.

Không lâu sau, tin Tấn Mẫn Đế bị Lưu Thông giết hại truyền tới, các tướng đứng đầu là anh em Vương Đôn và Vương Đạo cùng tôn Tư Mã Tuấn lên ngôi để kế tục nhà Tấn. Các họ lớn ở đó gồm có Chu (朱), Cam, Lữ, Cổ, Chu (周) ủng hộ Lang Nha Vương tự phong làm vua, tức là Nguyên Đế của triều Đông Tấn (東晉, 317-420). Bởi vì các vị vua triều Đông Tấn thuộc dòng dõi Lang Nha Vương, vốn là chi dưới trong họ Tư Mã, các nước Ngũ Hồ đối nghịch không công nhận tính chính thống của nó và lúc ấy họ gọi Tấn là "Lang Nha".

Đường lối chính trị của Vương Đạo edit

 
Hình Phật thời Tấn trên mặt bình

Tể tướng Vương Đạo (276 -339) chấp chính trong 33 năm suốt 3 triều vua Nguyên Đế, Minh Đế, Thành Đế chủ trương đường lối bảo vệ quyền lực Hoàng đế, cân bằng các sĩ tộc hai vùng Giang Bắc và Giang Nam, nhượng bộ và buông lỏng với thế gia đại tộc . Những chính sách có hại cho giai tầng sĩ tộc đều được Vương Đạo né tránh không áp dụng. Mặt khác, Vương Đạo tác động các vua Tấn chủ trương giữ vững Giang Nam, không dốc sức Bắc phạt, vì thực lực nhà Đông Tấn mới tụ ở Giang Nam không đủ mạnh để làm chiến tranh toàn diện và chưa hoàn toàn dàn xếp được mâu thuẫn giữa các tầng lớp sĩ tộc nam, bắc.

Quan điểm của Vương Đạo là "cứ bình tĩnh, cầu sao cho hòa hoãn tạm thời rồi mọi việc đâu lại vào đấy" . Chính sách này được các tể tướng Đông Tấn kế thừa và áp dụng mãi cho đến khi một người dòng họ Tư Mã lên nắm quyền là Tư Mã Đạo Tử mới thay đổi.

Do Tấn Nguyên Đế hoàn toàn dựa vào anh em Vương Đôn, Vương Đạo khi cai trị, đương thời có câu "Vương và Mã chung thiên hạ" . Dù có người anh họ Vương Đôn mưu việc phản nghịch chống Triều đình nhưng Vương Đạo vẫn trước sau trung thành với nhà Đông Tấn. Vương Đạo được mệnh danh là hiền tướng đương thời. Nhờ vậy chính quyền Đông Tấn vẫn tồn tại qua hai cuộc nổi loạn của Vương Đôn và Tô Tuấn.

Hai vụ biến loạn edit

Vương Đôn edit

Vương Đôn là anh họ Vương Đạo, lấy công chúa con Tấn Vũ Đế, sau làm Thứ sử Thanh Châu, đang nắm lực lượng quân sự mạnh ở trung du sông Trường Giang, được phong là Trấn Đông Tướng quân, Đô đốc quân sự lục châu Giang, Hoài, Kinh, Tương, Giao, Quảng. Năm 320, mâu thuẫn giữa Tấn Nguyên Đế và Vương Đôn lên đến đỉnh điểm, Vương Đôn ngày càng có nhiều tham vọng kiểm soát các tỉnh phía tây. Sang năm sau, Nguyên Đế lệnh cho các tướng Đới Uyên, Lưu Quỹ đem quân chống cự Hậu Triệu phương Bắc nhưng thực tế để ngăn ngừa Vương Đôn

Mùa xuân năm 322, Vương Đôn bắt đầu chống lại Nguyên Đế, tuyên bố Nguyên Đế bị Lưu Quỹ và Diêu Hiệp lừa dối, lấy danh nghĩa nhằm làm trong sạch chính quyền. Vương Đôn thuyết phục Thứ sử Lương Châu Cam Trác và Thứ sử Tương Châu Biện Cổn ủng hộ. Hai người không ai hưởng ứng nhưng cũng không ngăn chặn hành động của Vương Đôn. Vương Đôn chuyển lực lượng từ Vũ Xương (Kinh Châu) đến Cô Thục (Dự Châu, nay là Mã An Sơn, An Huy) để gần Kinh thành Kiến Khang hơn.

Nguyên Đế phái Vương Đạo làm Tiên phong Đại đô đốc chỉ huy chống lại Vương Đôn, Ôn Kiều làm Trung lũy Tướng quân, Đô đốc Đông An, thống lĩnh quân đội phía bắc. Vương Đôn tiến quân về Kiến Khang, đánh bại lực lượng của Nguyên Đế. Lưu Quỹ và Điêu Hiệp thất bại. Lưu Quỹ chạy sang Hậu Triệu, trong khi Điêu Hiệp, Đới Uyển, Bộc xạ Chu Kỷ và một số khác bị giết. Nguyên Đế buộc phải nhượng bộ và gia tăng quyền lực cho Vương Đôn. Vương Đôn thỏa mãn với điều đó và không tính chuyện lật đổ Nguyên Đế, rút về Vũ Xương (Hồ Bắc), đánh bại Tư Mã Thành, đồng thời ám hại Cam Trác.

Năm 323, Tấn Nguyên Đế lâm bệnh và mất. Vương Đôn sau khi diệt gia tộc họ Chu người Giang Nam gây bất bình cho nhiều người, lại định ngăn cản Thái tử Tư Mã Thiệu kế vị. Tuy nhiên do nhiều người phản đối nên Đôn phải chấp thuận để Thái tử Thiệu lên nối ngôi, tức Tấn Minh Đế. Minh Đế quyết tâm diệt trừ Vương Đôn, triệu kiến Hy Giám là thủ lĩnh các nhóm vũ trang của lưu dân, bổ nhiệm làm Thượng thư lệnh, bổ nhiệm Ôn Kiều làm Thị trung. Minh Đế lại cử một thủ lĩnh lưu dân khác là Hoàn Di làm Tán kỵ Thường thị, thuyên chuyển Đào Khản (259 -334), từng là tướng dưới trường Vương Đôn, đang làm Thứ sử Quảng Châu đến Giang Châu làm Thứ sử, chuẩn bị đối phó với Vương Đôn. Tuy nhiên khi Minh Đế bổ nhiệm Hy Giám đến nắm quyền quân chính ở Hợp Phì, ngay sát cạnh Cô Thục thì Vương Đôn phản đối quyết liệt, buộc Minh Đế phải rút lại quyết định.

Năm 324, nội chiến lại bùng nổ. Quân Vương Đôn ồ ạt tiến xuống vùng hạ du Trường Giang, liền bị các lực lượng vũ trang của lưu dân đóng ở nam sông Hoài chặn đứng. Lúc đó Vương Đôn lâm bệnh. Minh Đế điều Vương Đạo làm Đại đô đốc, cùng các tướng Biện Đôn, Tô Tuấn, Hy Giám, Dữu Lượng, Ôn Kiều, Tổ Ước mang quân về bảo vệ Kinh thành Kiến Khang. Vương Đôn có điều binh đánh Kiến Khang, bị các tướng cần vương đánh lui. Thủ hạ Đôn là Tiền Phụng, Thẩm Sung bị giết. Giữa lúc đó, Đôn ốm chết, thế lực tan rã nhanh chóng, nhưng phía Triều đình Đông Tấn cũng bị tổn thương lớn

Tô Tuấn edit

Dẹp được Vương Đôn nhưng Minh Đế lại mất sớm. Năm 326, Minh Đế qua đời, các quan phụ chính là Tây Dương Vương Tư Mã Dạng, Vương Đạo, Biện Đôn, Lữ Nghiệp, Hy Giám, Dữu Lượng, Ôn Kiều được Minh Đế tin cậy giao phó việc nước giúp Thái tử Tư Mã Diễn mới có 4 tuổi. Tư Mã Diễn lên ngôi, tức Thành Đế.

Trong thời gian trị vì của Thành Đế, anh em Dữu Lượng và Dữu Băng gia tăng quyền lực, bên cạnh Vương Đạo và Tư không Hà Xung (292-346). Dữu Lượng phải đối đầu với Tô Tuấn, một thủ lĩnh khác của lưu dân vùng Sơn Đông. Cha Tô Tuấn từng làm Thừa tướng cho Hậu Chủ Lưu Thiện nước Thục đời Tam Quốc. Tô Tuấn trong khi bình định vụ nổi loạn của Vương Đôn đã mở rộng thế lực, được Triều đình bổ nhiệm làm Thái thú Lịch Dương, đóng quân đồn trú, mộ thêm quân, thu nạp những kẻ tù tội bị truy nã, uy hiếp Kiến khang, khống chế Triều đình từ xa. Tô Tuấn liên minh với Tổ Ước, Thứ sử Dự Châu - là em Tổ Địch (vừa mất năm 321) đóng quân ở Thọ Xuân. Năm 326, Tô Tuấn tố cáo Nam Đốn Vương Tư Mã Tông, em Tư Mã Dạng phản nghịch và giết chết, đồng thời lật đổ Tư Mã Dạng.

Năm 327, Dữu Lượng (289 – 340) bổ nhiệm Tô Tuấn làm Đại tư nông, chức quan phụ trách các công việc nông nghiệp không liên quan gì đến việc quân sự nhằm ngăn chặn thế lực của Tô Tuấn. Tô Tuấn liền tìm kiếm liên minh với các viên quan có thế lực khác như Tổ Ước để chống lại anh em họ Dữu. Trong khi họ Dữu chủ trương đối đầu với Tô Tuấn thì Vương Đạo lại ôn hòa hơn. Dữu Lượng tự tin với lực lượng hiện có đủ mạnh để chế ngự Tô Tuấn nên không cần đến đề nghị hỗ trợ của Ôn Kiều, lệnh cho Ôn Kiều không được đem quân từ Giang Châu về bảo vệ Kiến Khang.

Tháng 12 năm 327, Tô Tuấn cùng Tổ Ước hợp binh nổi loạn. Bộ tướng của Tuấn là Hàn Hoảng đánh vào Cô Thục, đoạt hết lương thực trong thành. Dữu Lượng vội ra lệnh giới nghiêm ở Kiến Khang, sai Biện Hồ giữ thế thủ. Đầu năm 328, Ôn Kiều vội mang quân về đóng ở Tầm Dương ứng cứu Kinh thành. Đầu tháng 2, Tô Tuấn mang 2 vạn quân đánh tan quân Triều đình ở Ngưu Chử rồi tiến đánh Kiến Khang. Cha con Biện Hồ chống cự bị thua, đều tử trận. Dữu Lượng chạy đến Giang Châu thuộc quyền cai trị của Ôn Kiều. Tuấn đánh vào Kinh thành Kiến Khang với danh nghĩa trị kẻ có tội là Trung thư lệnh Dũu Lượng, giết chết Hoàn Di, khống chế Thành Đế (lên 8 tuổi) và Dữu Thái hậu. Tuy nhiên vì không có mâu thuẫn với Vương Đạo nên Tuấn vẫn để ông làm Thừa tướng.

Tháng 5 năm 328, Ôn Kiều hợp lực với Đào Khản được 4 vạn quân, cùng đánh Tô Tuấn. Tuấn mang Thành Đế chạy vào cố thủ trong thành Thạch Đầu. Vương Đạo cũng bí mật sai người ra liên lạc với các tướng ở Ngô Quận, Ngô Hưng và Cối Kê cần vương. Hai mặt cùng đánh Thạch Đầu.

Tháng 5 nhuận, Hy Giám cũng hội binh với Đào Khản, Khổng Khản cũng trốn trong thành Thạch Đầu ra, điều quân mấy mặt vây đánh. Quân Tô Tuấn tuy mạnh nhưng bắt đầu bị mất ưu thế.

Giữa lúc đó, Vua Hậu Triệu là Thạch Lặc nhân Đông Tấn có loạn lại Nam tiến. Tháng 7 năm 328, quân Hậu Triệu tấn công. Thuộc hạ của Tổ Uớc lại tư thông với địch, dẫn quân Hậu Triệu qua sông Hoàng Hà. Tổ Ước vội bỏ Tô Tuấn chạy về Lịch Dương. Tô Tuấn cô thế. Vương Đạo thừa cơ cùng con trốn thoát ra ngoài. Quân Hậu Triệu bắt 2 vạn dân Thọ Xuân rồi rút lui.

Tháng 9 năm 328, Tô Tuấn ra giao chiến với quân Đào Khản và Ôn Kiều, ngã ngựa bị giết. Trong thành Thạch Đầu tôn em Tuấn là Tô Miễn làm thống soái.

Tháng 1 năm 329, Đào Khản tiến đánh Tổ Ước ở Lịch Dương. Tổ Ước chạy sang hàng Hậu Triệu. Tháng 2 năm 329, Ôn Kiều và Đào Khản hạ thành Thạch Đầu, giết chết Tô Miễn. Bộ tướng họ Tô là Hàn Hoảng, Trương Kiện chạy đến Bình Lăng thì bị quân của Hy Giám đuổi kịp giết chết.

Triều đình Đông Tấn phải mất 1 năm mới dẹp xong loạn Tô Tuấn. Khi trừng trị Tô Tuấn và đồng bọn, Vương Đạo lại có thái độ khoan dung. Thứ sử Tương Châu Biện Đôn giữ thái độ trung lập trong cuộc nổi loạn chỉ phải bị đổi làm Thứ sử Quảng Châu. Hậu tướng quân Quách Mặc xuất thân là trộm cướp dám giả chiếu chỉ để tấn công giết chết Bình Nam Tướng quân Lưu Dẫn, Vương Đạo vì sợ thực lực của Quách Mặc nên đã ân xá, cử Quách Mặc đi làm Thứ sử Dự Châu. Tuy nhiên Đào Khản được Dữu Lượng ủng hộ đã đem quân đánh bại và giết chết Quách Mặc, Vương Đạo cũng làm thinh thừa nhận sự thật đó. Đào Khản được phong Trường Sa Quận Công, sau đó được cử làm Đô đốc quân sự 8 châu Kinh, Giang, Ung, Lương, Giao, Quảng, Ninh, Ích; kiêm thứ sử 2 châu Kinh, Giang. Ôn Kiều được phong làm Thủy An Công, nhường chức vụ nhiếp chính cho Vương Đạo. Vương Đạo tiếp tục cầm quyền.

Đối phó với Ngũ Hồ edit

Tổ Địch Bắc phạt edit

Tổ Địch là người phương Bắc di cư xuống miền Nam khi Trung Nguyên bị Ngũ Hồ đánh chiếm. Ông là người hăng hái Bắc tiến nhất, nhưng vì Tấn Nguyên Đế và Vương Đạo chủ trương cố thủ ở Giang Nam nên không ủng hộ mạnh mẽ cho đề nghị của ông.

Tổ Địch phải tự mình mộ quân, tích lương, độc lập tác chiến với quân Ngũ Hồ. Tuy đánh thắng quân Hậu Triệu nhiều trận, khôi phục được nhiều châu quận phương Bắc nhưng lúc đó nhiều thành trì và tướng lĩnh còn lại của nhà Tấn ở Trung Nguyên như Lưu Côn, Vương Tuấn, Lý Củ... đã bị Ngũ Hồ chia cắt và đánh bại nên cả hai mặt nam, bắc Tổ Địch đều không được phối hợp.

Việc tranh chấp quyền lực ở Giang Nam giữa Triều đình với Vương Đôn khiến Triều đình hoàn toàn không quan tâm chi viện cho Tổ Địch. Ông phẫn chí sinh bệnh và qua đời năm 321. Em ông Tổ Ước yếu thế trước quân Hậu Triệu phải rút về Nam. Đất đai giành được ở phía bắc bị quân Hậu Triệu chiếm lại.

Thụ động phòng ngự edit

Sau cuộc biến loạn của Tô Tuấn và Tổ Ước, các lực lượng quân sự địa phương của Đông Tấn đã để mất nhiều vùng đất đai vào tay nhà Hậu Triệu. Các thành quan trọng bị mất là Lạc Dương, Thọ Xuân, Tương Dương. Năm 333, Ninh Châu (Quý Châu, Vân Nam) cũng bị Thành Hán chiếm, mãi đến năm 339 mới thu hồi được.

Thị trung Thái úy Đào Khản giữ trọng trách đóng quân ở Vũ Xương nắm quyền Đô đốc 8 châu Kinh, Giang, Ung, Lương, Giao, Quảng, Ninh, Ích kiêm Thứ sử các châu Giao, Ninh, Kinh, hùng cứ tại Trường Giang, nhưng chỉ những lúc quân Hậu Triệu xâm phạm mới phản kích. Năm 332, Đào Khản phản công giành lại được Tương Dương, được phong tước Trường Sa Công.

Vương Đạo cùng Dữu Lượng chấp chính vẫn có thái độ lạnh nhạt với Bắc phạt, luôn luôn lo sợ sẽ xuất hiện một Vương Đôn lần thứ hai, mãi đến khi Đào Khản chết bệnh năm 334, họ mới hết lo lắng. Nhà Tấn bị mất một tướng tài.

Họ Dữu bắc phạt edit

Năm 337, thủ lĩnh người Tiên Ty là Liêu Đông Công Mộ Dung Hoảng, từng là chư hầu của Đông Tấn, tuyên bố tước vị Yên Vương, thành lập nước Tiền Yên. Năm 339, Vương Đạo chết, được Triều đình phong tước Thủy Hưng Công; họ Dữu trở lại nắm quyền. Trong số các thế gia đại tộc Giang Nam, họ Dữu là 1 họ lớn cùng với các gia tộc Vương, Hy, Tạ. Họ Dữu khởi đầu quyền lực từ Dữu Trân làm Thái thú Cối kê, sau đó Dữu Văn Quân nhập cung làm Hoàng hậu của Tấn Minh Đế. Trung thư lệnh Đô đình hầu Dữu Lượng (289 – 340, tự là Nguyên Quy) và Dữu Ký cùng chủ trì chấp chính có đường lối chính trị tích cực hơn, đối với các sĩ tộc vi phạm pháp luật họ mạnh dạn trừng trị và tích cực chuẩn bị bắc phạt.

Họ Dữu muốn mở cuộc tấn công lớn về phía Hậu Triệu, nhằm giành lại Trung Nguyên.

Dữu Lượng và Dữu Ký lần lượt ra làm Thứ sử Kinh Châu, Dự Châu, Giang Châu, trấn giữ Vũ Xương, giứ chức Đô đốc các châu phía tây, phòng thủ vùng trung du Trường Giang. Dữu Ký còn chuyển đến đóng ở Tương Dương, trưng dụng các loại xe bò, xe ngựa, điều động nô lệ tư gia làm lính vận chuyển lương thực. Việc chinh chiến gặp phải sự phản đối của các thế gia đại tộc Hy Giám và Thái Mô. Với đường lối chính trị trong sạch của họ Dữu đã phá vỡ sự cân bằng quyền lực giữa Nhà vua và các thế gia đại tộc. Thành Đế cũng yêu cầu Dữu Lượng không được gây chiến nữa. Thành Đế tham dự một phần giải quyết việc triều chính. Hà Xung và Dữu Băng tìm cách thay đổi chính sách của Vương Đạo nhưng không được hiệu quả cao như trước.

Năm 339 Dữu Lượng tiếp tục kế hoạch quân sự nhằm chống lại nhà Hậu Triệu mặc dù gặp phải sự phản đối của các thế gia đại tộc Hy Giám và Thái Mô. Tuy nhiên họ Dữu không có tài cầm quân, bị quân Hậu Triệu đánh bại, gây thiệt hại nặng cho các thành Đông Tấn ở Bắc Trường Giang và chiếm Thục Thành (Hoàng Cương, Hồ Bắc). Bị thất bại, Dữu Lượng chán nản lâm bệnh chết vào đầu năm 340, được Triều đình phong tước Vĩnh xương công.

Dữu Ký, Hà Xung và Dữu Băng đưa Phò mã của Tấn Minh Đế là Thứ sử Từ Châu Vạn Ninh Bá Hoàn Ôn (312 – 373, con Hoàn Di) ra nắm binh quyền, làm Đô đốc Ninh Châu, Kinh Châu, Tương Châu. Sau khi Dữu Ký chết, họ Dữu muốn đưa người con ông ta là Dữu Viên tiếp tục giữ chức Đô đốc nắm quyền quân sự, càng làm Hoàng gia và thế gia đại tộc hoài nghi. Đồng thời để kiềm chế Hoàn Ôn, họ lại đưa ra người phản đối đường lối chính trị trong sạch là Cố Hòa, người nổi tiếng về thanh đàm (bình luận suông - xem phần Văn hóa khoa học bên dưới) là Ân Hạo và một nhân vật khác phản đối quyết liệt việc Bắc phạt là Thái Mô để chủ trì triều chính, trở về với phương chân chính trị cũ của Vương Đạo.

Năm 343, Dữu Dực (cậu Khang Đế) đề nghị tiến hành kế hoạch quân sự chống Hậu Triệu, liên minh với Tiền YênTiền Lương. Kế hoạch được sự đồng tình của nhiều quan lại có thế lực như Dữu Băng, Hoàn Ôn. Tuy nhiên Dữu Dực chỉ tiến hành một số hoạt động quân sự nhỏ, mục đích chính là gây dựng thế lực cho họ Dữu mà không lập được công lớn trong việc chống Ngũ Hồ. Trong 2 năm 344 - 345, Dữu Băng và Dữu Dực lần lượt qua đời, quyền lực họ Dữu chấm dứt, Hà Xung nắm quyền Trung thư lệnh trọng dụng Hoàn Ôn giao cho trọng trách chỉ huy quân đội tại Kinh Châu, Ninh Châu. Năm 346, Hà Xung mất, Thái Mô lên thay. Đồng thời Hoàng gia cũng cử Tư Mã Dục (con Tấn Nguyên Đế, em Tấn Minh Đế) làm Trung thư lệnh (tức Tể tướng) trong suốt các triều Tấn Mục Đế, Tấn Ai Đế, Tấn Phế Đế và về sau được Hoàn Ôn lập làm vua, tức Giản Văn Đế (371 - 372).

Hoàn Ôn Bắc phạt edit

Trong thời gian Mục Đế cai trị (344 – 361), quyền lực trong triều thuộc về tay Chinh Bắc Tướng quân Hoàn Ôn. Hoàn Ôn tiến hành các chiến dịch quân sự không cần sự phê chuẩn của Triều đình.

Năm 347, Hoàn Ôn nhân khi nước Thành Hán ở Tứ Xuyên suy yếu, có tranh chấp nội bộ, bèn đem quân đi đánh. Kết quả Hoàn Ôn nhanh chóng tiêu diệt Thành Hán.

Tháng 4 năm 349, nhân khi Vua Hậu Triệu là Thạch Hổ chết, nước Hậu Triệu đại loạn. Vua nước Nhiễm Ngụy mới thành lập là Nhiễm Mẫn theo chính sách diệt ngoại tộc người Hồ, kêu gọi Đông Tấn Bắc tiến diệt Ngũ Hồ. Hoàn Ôn bèn dâng biểu xin Triều đình Bắc phạt. Tuy nhiên, Triều đình sợ ông mang quân thu phục được Trung Nguyên thì sẽ khó kiềm chế nên không chấp thuận ý kiến của ông. Ân Hạo được phong chức Kiến Vũ Tướng quân kiêm Thứ sử Dương Châu, nắm quyền chỉ huy quân đội ở hạ du Trường Giang đồng thời tham gia triều chính. Tháng 6 năm 349, tướng Hậu Triệu là Vương Giáp dâng thành Thọ Xuân cho Đông Tấn. Tấn Mục Đế sai Ân Hạo làm Trung quân Tướng quân kiêm Đô đốc 5 châu: Dương, Dự, Từ, Duyện, Thanh để chỉ huy Bắc phạt chứ không cử Hoàn Ôn. Ân Hạo bất tài, đánh trận thua liên tục.

Năm 352, sau hàng loạt biến cố ở phương Bắc, Hậu Triệu và Nhiễm Ngụy bị tiêu diệt. Thái tử Nhiễm Trí con Nhiễm Mẫn bị Tiền Yên vây khốn, bèn xin nhờ tướng Tạ Thượng của Đông Tấn dâng biểu xin hàng, nhưng nhà Tấn vẫn không phát binh. Kết quả Tiền Yên diệt hẳn Nhiễm Ngụy, trong khi đó nước Tiền Tần của người Đê do cha con Phù Hồng - Phù Kiện thành lập năm 350 cũng đứng vững, cùng Tiền Yên chia nhau cai trị Trung Nguyên.

Đầu năm 354, Hoàn Ôn viết sớ kể tội Ân Hạo, xin cách chức Hạo. Vua Tấn không có cách nào khác, đành cách chức Hạo làm thường dân, đày đến Tấn An (Cù Châu, Chiết Giang) và giao binh quyền cho Ôn. Năm 354, ông tiến quân đánh Tiền Tần, đến gần thành Trường An, nhưng thiếu lương nên phải rút quân về.

Năm 356, Hoàn Ôn lại Bắc phạt, đánh bại tướng Tiền Yên là Diêu Tương, thu hồi Cố đô Lạc Dương. Tháng 2 năm 362, Vua Yên phản công lấy lại Lạc Dương. Hoàn Ôn khi đó đã rút quân chủ lực về Kiến Khang ở Giang Nam. Ông vừa điều quân đi cứu, vừa xin thiên đô lên Lạc Dương để tiện việc Bắc phạt. Nhà Tấn hoảng sợ vì ngại chiến tranh nên không tán thành. Quân Tấn không đủ mạnh nên bị mất Lạc Dương.

Tháng 3 năm 369, ông tự điều thứ sử các châu Từ, Lương, Duyện và Thọ Xuân theo đường thủy đi đánh Yên. Tháng 6, Hoàn Ôn liên tiếp thắng quân Yên ở Hoàng Hư. Vua Yên cầu cứu Tiền Tần. Quân Tần chưa đến mà quân Yên đã bất ngờ phản công, đánh bại quân Tấn ở Phương Đầu. Hoàn Ôn bị mất 2 tướng, lại bị thiếu lương thảo, nên phải rút về Nam. Hoàn Ôn nắm các chức vụ Thị trung, Đại tư mã, Đô đốc quân sự trong ngoài, một mình coi việc triều chính.

Năm 371 Hoàn Ôn phế truất Vua Tấn là Tư Mã Dịch, lập Cối Kê Vương Tư Mã Dục (con Tấn Nguyên Đế, em Tấn Minh Đế) đang giữ chức Trung thư lệnh lên ngôi, tức Giản Văn Đế. Giản Văn Đế khi lên ngôi đã ngoài 50 tuổi và ốm yếu, trị vì được 1 năm thì mất. Người kế ngôi là Thái tử Tư Mã Diệu (362 - 396), tức Hiếu Vũ Đế. Tháng 3 năm 373, Hoàn Ôn chết, khu vực quản lý của Hoàn Ôn được chia làm ba, giao cho Hoàn Xung (328 - 384), Hoàn Khoát và Hoàn Thạch Tú quản lý.

Tạ Huyền đánh lui Tiền Tần edit

 
Bản đồ Trung Quốc thời Đông Tấn (phía bắc là Tiền Tần)

Sau khi Hoàn Ôn chết, quyền lực trong triều do Tể tướng Tạ An (320 -385) nắm giữ. Họ Tạ là một vọng tộc phong lưu nổi tiếng còn để lại nhiều tên tuổi trong sử sách. Bắt đầu từ thời Tam Quốc, do chúa Đông Ngô là Tôn Quyền lấy con gái họ Tạ làm vợ, những người có tài trí họ Tạ bắt đầu được đề bạt nắm giữ các chức vụ, và họ Tạ dần trở thành một danh gia vọng tộc. Tạ An theo cách của Vương Đạo xây dựng chính sách an dân "Trấn chi dĩ tĩnh" giữ cho nhà Đông Tấn cục diện yên ổn suốt hơn hai mươi năm. Đồng thời Tạ An chia sẻ quyền lực với Vương Thản Chi (con trai Vương Đạo) và Vương Bưu Chi, tuy nhiên Vương Thản Chi đã chết năm 375.

Trong khi đó nước Tiền Tần của người Đê ở phương Bắc ngày càng lớn mạnh dưới thời Phù Kiên, được sự trợ giúp của Vương Mãnh. Năm 370, nước Tiền Tần tiêu diệt Tiền Yên. Năm 373, Tiền Tần cho quân chiếm Lương Châu (Nam Thiểm Tây) và Ích Châu (Tứ Xuyên) của Đông Tấn. Năm 376, chư hầu Đông Tấn là Tiền Lương bị quân Tiền Tần tấn công, Đông Tấn cử tướng Hoàn Xung đem quân cứu viện, nhưng Tiền Lương sụp đổ quá nhanh, quân Tấn phải rút về.

Tiền Tần thống nhất miền Bắc và tham vọng đánh xuống miền Nam. Tiền Tần mang quân đi đánh và bắt được nhiều dân của Đông Tấn ở vùng bắc và nam sông Hoài. Năm 377, nhà Đông Tấn phái tướng Chu Tự làm Thứ sử Lương Châu trấn thủ Tương Dương. Quân Tần tấn công dữ dội nhưng Chu Tự kiên cường chống trả. Năm 380, do bị nội phản, thành Tương Dương thất thủ, Chu Tự bị bắt nhưng được Phù Kiên trọng dụng.

Quyết tâm diệt Đông Tấn để thống nhất Trung Hoa, Phù Kiên huy động toàn quân trong nước gồm 90 vạn người đi Nam chinh. Được Chu Tự làm nội gián, tướng Tấn là Tạ AnTạ Huyền đánh bại đánh bại quân Tần trong trận Phì Thủy nổi tiếng năm 383.

Nhân đà thắng lợi, Tạ An bèn cử Tạ Huyền làm Đô đốc tiên phong, cùng tướng Hoàn Thạch Kiền đi đánh Tần. Quân Tạ Huyền chiếm được Viên Thành, Quyên Thành. Nhiều thành ở Hà Nam lần lượt xin hàng. Sau đó, ông dẫn quân đánh Thanh Châu. Tướng Tần giữ Thanh Châu là Phù Lãng bại trận xin hàng. Hoàn Huyền phái Triệu Thống thu phục Dịch Dương và các thành trấn phụ cận, uy thế áp thẳng đến Lạc Dương. Sau khi bình định các châu Từ, Duyện, Tạ Huyền trở thành Đô đốc quân sự 7 châu Từ, Duyện, Thanh, Ty, Ký, U, Bình, đóng quân ở Bành Thành được phong làm Khang Lạc Huyện Công. Triều đình phong cho Tạ An làm Lư Lăng Quận Công, Tạ Thạch làm Nam Khang Huyện Công, Tạ Diễm làm Vọng Tế Huyện Công.

Đông Tấn giành thắng lợi lớn, giữ vững được bờ cõi và mở rộng lên phía bắc. Nhà Tiền Tần suy yếu và tan rã nhanh chóng. Chỉ trong vòng 3 năm sau trận Phì Thủy, miền Bắc lại bị các tộc Hồ khác li khai, chia cắt trở lại, trên bản đồ phía bắc có sự tồn tại của 7 quốc gia: Tiền Tần, Tây Yên, Hậu Yên, Hậu Lương, Hậu Tần, Bắc Ngụy, Tây Tần. Cuộc hỗn chiến giữa các nước Ngũ Hồ tái diễn và miền Bắc bị phân liệt hơn trước.

Suy yếu và loạn lạc edit

Tư Mã Đạo Tử nhiếp chính edit

Sau Chiến thắng Phì Thủy, quyền lực của Tạ An suy giảm. Năm 384, Hoàn Xung chết, các quan lại chủ chốt muốn đưa Tạ Huyền lên thay chức vụ của Hoàn Xung nhưng Tạ An không đồng ý và chia nhỏ khu vực do Hoàn Xung cai quản cho 3 người cháu Hoàn Xung. Tạ An tránh không muốn xung đột với Cối Kê Vương Tư Mã Đạo Tử - người muốn trở thành Tể tướng. Tạ An bị bài xích, bắt buộc phải xin đi Bắc chinh, rời khỏi Kiến khang. Năm 385, Tạ An mất lúc 66 tuổi, được truy tặng Thái phó, ban thụy là Văn Tĩnh.

Họ Tạ định lợi dụng việc Bắc phạt để mở rộng địa bàn và thế lực của mình nhưng Triều đình đã phái tướng Chu Tự đến đóng quân ở Lạc Dương, kiêm Thứ sử các châu Duyện, Dự, Thanh, chỉ huy toàn bộ quân Bắc phạt. Tạ Huyền ra quân thất lợi và bị tước binh quyền, Tạ Thạch cũng bị chết bệnh cùng năm. Hoàng gia Tư Mã là người thắng lợi trong cuộc đấu tranh nội bộ sau trận Phì Thủy. Cối Kê Vương Tư Mã Đạo Tử (353 - 403), con trai Giản Văn Đế lên nắm quyền Tể tướng sau khi cùng họ Hoàn làm suy yếu thế lực họ Tạ đã liên kết chặt chẽ với họ Vương gốc Thái Nguyên mở đầu cuộc đấu tranh mới giữa Hoàng gia với họ Hoàn cho nên sau khi đại thắng thì Vương triều Đông Tấn lại nảy sinh một nguy cơ mới trong việc thống trị.

Năm 396, Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu chết, người kế ngôi là Thái tử Tư Mã Đức Tông (382 - 419), tức Tấn An Đế. Tư Mã Đạo Tử làm quan Nhiếp chính. Các quan lại ỷ công phò chiến và dựa thế đặc quyền của môn đệ nên ra sức tước đoạt đất đai của nông dân, như hai gia tộc Vương và Tạ. Mỗi tộc đều có điền trang rộng lớn, cấu kết cưỡng chiếm ruộng đất đến vạn khoảnh. Cuộc sống của quan lại và quý tộc rất xa hoa. Bản thân Tạ An cũng chiếm núi rừng ở ngoại ô Kiến Khang, xây nhà lầu, khi rảnh rỗi thường dẫn tôi tớ đến vui chơi, mỗi bữa ăn tốn đến mấy trăm lạng vàng. Con trai Tư Mã Đạo Tử là Tư Mã Nguyên Hiển còn giàu hơn cả Vua Tấn. Dân chúng còn phải chịu nhiều thuế má nặng nề khác, ngay cả việc sửa nhà, trồng dâu cũng phải nộp thuế.

Đạo Tử chỉ tin dùng những người trong họ và giao cho con là Tư Mã Nguyên Hiển mới 16 tuổi giữ chức Chinh thảo Đô đốc nắm binh quyền, bảo vệ Kinh đô, các trọng trấn quân sự được giao cho Tư Mã Sở ChiTư Mã Hưu Chi.

Hoàn Huyền cướp ngôi edit

Hoàn Huyền (369 - 404) là con Hoàn Ôn, thừa hưởng tước phong thế tập của cha, nắm giữ vùng Kinh Châu. Tư Mã Nguyên Hiển dựa vào lực lượng Bắc phủ binh của Trấn quân Tướng quân Lưu Lao Chi để tấn công Hoàn Huyền, nhưng Lưu Lao Chi cũng không tuân phục Tư Mã Nguyên Hiển. Tháng 12 năm 399, Hoàn Huyền phát binh đánh Giang Lăng, Ân Trọng Kham bị giết. Năm 400, Hoàn Huyền đòi được phong làm Thứ sử Quảng Châu. Tư Mã Đạo Tử sợ biến loạn tái diễn, vội phê chuẩn ngay. Bắt đầu từ đó, Hoàn Huyền thao túng triều đình Đông Tấn. Chính lệnh của Triều đình chỉ có hiệu lực tại 8 quận phía đông (Cối Kê, Ngô Quận, Ngô Hưng, Nghĩa Hưng, Lâm Hải, Vĩnh Gia, Đông Dương, và Tân An) thuộc Dương Châu

Năm 401, Hoàn Huyền, đã kiểm soát hơn 2/3 lãnh thổ Đông Tấn, tiến quân về phía đông, chiếm được kinh thành Kiến Khang, xử tử cả nhà Tư Mã Nguyên Hiển cùng Tư Mã Đạo Tử, đánh dẹp Lưu Lao Chi, đoạt binh quyền từ tay Lưu Lao Chi giao cho anh họ Hoàn Tu. Lực lượng Bắc phủ binh của Lưu Lao Chi không muốn giao chiến và Lưu Lao Chi buộc phải tự sát. Hoàn Huyền dẫn binh vào Kinh đô, tự làm Thái úy.

Mùa thu năm 403, Hoàn Huyền buộc An Đế phong cho ông làm Sở Vương, gia phong Cửu tích, sau đó buộc An Đế viết chiếu nhường ngôi, thành lập nước Sở, xưng Vũ Đạo Hoàng đế, niên hiệu Vĩnh Thủy, giáng An Đế làm Bình Cố Vương, giam cầm Lang Nha Vương Tư Mã Đức Văn (em An Đế).

Mùa xuân năm 404, bộ tướng của Lưu Lao Chi có Thái thú Hạ Bì là Lưu Dụ tạm đầu hàng Hoàn Huyền để tính kế lâu dài. Nhận thấy Hoàn Huyền không được lòng dân chúng, liền tách ra li khai, bắt đầu nổi dậy ở Trấn Giang (Giang Tô), trong mấy ngày đã tiến về Kinh thành Kiến Khang. Hoàn Huyền rút lui về căn cứ Giang Lăng (Kinh Châu, Hồ Bắc), mang theo cả An Đế và Tư Mã Đức Văn. Lưu Dụ tuyên bố khôi phục nhà Tấn, và đến mùa hè năm 404, Lưu Dụ liên minh với Lưu Nghi, Hà Vô Kỵ tiến về Giang Lăng đánh bại lực lượng Hoàn Huyền.

Tháng 2 năm 404, Lưu Dụ phát động binh biến, tụ tập hàng trăm đồ đảng ở Kinh Khẩu làm binh biến giết chết Hoàn Tu. Lưu Nghị đồng thời cũng giết chết Hoàn Hoằng (em Hoàn Tu) ở Nghiễm Lăng . Rồi mọi người cùng tôn Lưu Dụ lên làm minh chủ, truyền hịch khắp nơi đồng thời khởi nghĩa. Hoàn Huyền thấy tình thế bất lợi, liền đem Tấn An Đế chạy ra Giang Lăng. Tháng 3 năm đó, Lưu Dụ tiến quân vào Kiến Khang, khống chế Kinh sư rồi xuất binh mã Tây tiến. Sau hơn 1 tháng kịch chiến, Hoàn Huyền bị bức phải trốn vào Tây Xuyên, bị Ích Châu Đô hộ là Phùng Thiên giết chết.

Khởi nghĩa Tôn Ân edit

Trong giới tín đồ gốc sĩ tộc thế gia có Đỗ Tử Cung là đầu lĩnh ở Tiền Đường. Ông có nhiều đệ tử, xuất thân là thế gia đại tộc ở Giang Nam. Đỗ Tử Cung mất, môn đồ là Tôn Thái và Tôn Ân kế nghiệp. Tôn Ân tự là Linh Tú, quê ở Lang Nha, vừa là cháu vừa là đệ tử Tôn Thái. Hiếu Vũ Đế phong Tôn Thái làm Phụ quốc Tướng quân, Thái thú Tân An. Tôn Thái lợi dụng tà thuật mê hoặc và quy tụ quần chúng, Triều đình sợ Tôn Thái làm loạn nên sai Cối Kê Vương Tư Mã Đạo Tử bắt Tôn Thái giết đi.

Năm 399, Tôn Ân và dư đảng chạy trốn ra hải đảo, lập chí báo thù cho sư phụ. Rồi Tôn Ân cùng với em rể Lư Tuần lãnh đạo khoảng 10 vạn tín đồ 8 quận đánh Cối Kê (8 quận là: Cối Kê, Ngô Quận, Ngô Hưng, Nghĩa Hưng, Lâm Hải, Vĩnh Gia, Đông Dương và Tân An). Chiếm được Cối Kê, Tôn Ân tự xưng Chinh Đông Tướng quân và gọi quân binh của mình là «Trường Sinh Nhân». Triều đình phái Tạ Diễm và Lưu Lao Chi quân chinh phạt.

Năm 402, Tôn Ân thua trận ở Lâm Hải, nhảy xuống biển tự vẫn. Cho rằng Tôn Ân đã thành thủy tiên, số tín đồ tự trầm theo hơn trăm người. Em rể Tôn Ân là Lư Tuần kế nhiệm,cùng bộ tướng Từ Đạo Phúc lên thuyền ra biển chạy về Lĩnh Nam.

Năm 405 triều đình dụ hàng và phong Lư Tuần làm Thứ sử Quảng Châu,Từ Đạo Phúc làm Quốc tướng Thủy Hưng (Quảng Đông).Nhưng đến năm 411 Lư Tuần và Từ Đạo Phúc lại làm phản,giết Thứ sử Giang Châu Hạ Vô Kỵ ở Dự Chương (Giang Tây).Ngày 7 tháng 5 Lư Tuần đánh bại Thứ sử Dự Châu Lưu Nghị ở cù lao Tang Lạc (An Huy), uy hiếp kinh đô Kiến Khang.Đến tháng 12 năm 411 Lư Tuần lại bị Lưu Dụ đánh bại ở Tả Lý (Giang Tây).Quảng Châu cũng bị bộ tướng của Lưu Dụ là Lưu Xử chiếm mất.

Cuối năm 411, Lư Tuần đánh Quảng Châu nhưng đại bại, bèn chạy sang Giao Châu. Thứ sử Giao Châu Đỗ Tuệ Độ cùng các quan văn võ đánh tan quân Lư Tuần. Quân Lư Tuần còn khoảng 2000 người. Dư đảng Lý Tốn (Thái thú Cửu Chân, nổi loạn) là Lý Thoát kết tập 5000 dân bản địa giúp Lư Tuần đánh ở bến sông phía Nam thành Long Biên . Binh của Đỗ Tuệ Độ phóng đuốc trĩ vĩ đốt chiến thuyền Lư Tuần. Lư Tuần nhảy sông tự vẫn. Đỗ Tuệ Độ cho vớt tử thi Lư Tuần và chặt đầu, gửi về Kiến Khang.

Diệt vong edit

Tấn An Đế tuyên bố khôi phục nhà Tấn tại Giang Lăng. An Đế được đưa về Kiến Khang, quyền lực rơi vào tay Lưu Dụ. Để thưởng cho Lưu Dụ có công tái tạo nhà Tấn, An Đế phong Lưu Dụ làm Thị trung, Xa Kỵ Tướng quân, bên ngoài nắm quân sự, bên trong lo triều chính. Tuy ngôi nhà Tấn được phục hồi nhưng vai trò của Vua Tấn vẫn không khác trước vì quyền thần đã nắm hoàn toàn việc điều hành Triều đình.

Sau khi Lưu Dụ diệt được Hoàn Huyền, miền Bắc cũng trải qua những cuộc chiến thôn tính và chia cắt mới: Hậu Yên diệt được Tây Yên (394) nhưng bị Bắc Ngụy đánh bại (401), họ Mộ Dung phải rút về nơi khởi nghiệp ở Long Thành phía đông bắc và đến năm 409 bị Bắc Yên thay thế. Một nhánh Mộ Dung khác chạy về Sơn Đông lập ra nước Nam Yên nhỏ bé. Nước Hậu Lương bị Hậu Tần tiêu diệt và đất chia làm 3: Nam Lương, Bắc Lương, Tây Lương. Hậu Tần diệt được Tiền Tần (394) nhưng bắt đầu bị Hạ nổi dậy cát cứ (407). Tính tổng cộng từ khi nhà Tấn rút về Giang Nam, miền Bắc Trung Quốc do 20 nước của người Hồ, được gọi chung là Ngũ Hồ Thập lục quốc thay nhau cai trị (4 nước không được tính). Phần lớn nước trong số đó do Ngũ Hồ thành lập, chỉ có 3 nước (Tiền Lương, Tây Lương, Bắc Yên) do tộc Hán lập nên.

Năm 410, quyền thần Lưu Dụ Bắc tiến diệt nước Nam Yên, năm 417 lại ra quân diệt nước Hậu Tần. Tuy nhiên, nhà Tấn vẫn không chiếm lại được miền Bắc, vì khi đó nước Bắc Ngụy đã lớn mạnh và kiểm soát nhiều đất đai Trung Nguyên. Bản thân Lưu Dụ cũng không dụng tâm giữ miền Bắc mà chỉ bắc phạt để gây uy thế chuẩn bị cướp ngôi nhà Tấn, như nhận định của Vua nước Hạ Hách Liên Bột Bột. Lưu Dụ rút đại quân về Nam, để lại con nhỏ là Lưu Nghĩa Chân mới 12 tuổi trấn thủ Trường An.

Ngay năm sau (418), Hách Liên Bột Bột lập tức Nam tiến, đánh vào đất cũ của Hậu Tần. Các tướng Tấn lại mâu thuẫn tự giết hại nhau khiến chiến sự càng bất lợi. Lưu Dụ đón con về Nam rồi sai Chu Siêu Thạch đi cứu Trường An nhưng không có kết quả. Ngoài Nghĩa Chân may mắn chạy thoát, toàn bộ các tướng lĩnh, kể cả Siêu Thạch, đều bị Bột Bột bắt sống và xử tử. Tính cả các tướng bị hại vì mâu thuẫn nội bộ, trong vụ mất Quan Trung, Đông Tấn và cá nhân quyền thần Lưu Dụ bị tổn thất 8 viên . Lãnh thổ Đông Tấn thời cực thịnh (417) nhanh chóng bị thu hẹp trở lại.

Tuy mất đất, uy thế Lưu Dụ ở miền Nam không hề suy giảm, ông vẫn nắm quyền kiểm soát Triều đình Đông Tấn. Năm 419, Dụ phế và giết An Đế, lập em An Đế là Tư Mã Đức Văn lên ngôi, tức Tấn Cung Đế.

Năm 420, Dụ phế Đông Tấn Cung Đế đoạt ngôi, lập ra nhà Tống, sử gọi là Lưu Tống. Nhà Tấn chấm dứt và bắt đầu thời kỳ Nam Bắc Triều (420-589).

Nhà Đông Tấn tồn tại 104 năm, có tổng cộng 11 vua. Tính gộp với thời Tây Tấn thì nhà Tấn có 15 vua, tồn tại 156 năm (265-420).