Địa lí 9/Dân số và gia tăng dân số

Việt Nam là nước đông dân, có cơ cấu dân số trẻ. Nhờ thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình nên tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số có xu hướng giảm và cơ cấu dân số đang có sự thay đổi.

Số dân

edit

Năm 2002, số dân Việt Nam là 79,7 triệu người. Về diện tích, lãnh thổ nước ta đứng thứ 58 thế giới, còn về dân số nước ta đứng thứ 14 thế giới.

Gia tăng dân số

edit
 
Biểu đồ dân số Việt Nam qua các năm từ 1961 – 2003 (đơn vị: nghìn người)

Hiện tượng "bùng nổ dân số" ở nước ta bắt đầu từ cuối những năm 50 và chấm dứt vào trong những năm cuối thế kỉ XX.

Hiện nay, dân số Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn có tỉ suất sinh tương đối thấp. Điều đó khẳng định thành tựu to lớn của công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. Tuy vậy, mỗi năm dân số Việt Nam vẫn tăng thêm khoảng một triệu người.

Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số còn có sự khác nhau giữa các vùng. Ở thành thị và các khu công nghiệp, tỉ lệ tăng tự nhiên của dân số thấp hơn nhiều so với ở nông thông, miền núi.

Tỉ lệ gia tăng tự nhiên dân số ở các vùng, năm 1999 (%)
Các vùng Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số
Cả nước
  • Thành thị
  • Nông thôn
1,43
  • 1,12
  • 1,52
  • Đông Bắc Bộ
  • Tây Bắc Bộ
  • Đông bằng sông Hồng
  • Bắc Trung Bộ
  • Duyên hải Nam Trung Bộ
  • Tây Nguyên
  • Đông Nam Bộ
  • Đồng bằng sông Cửu Long
  • 1,30
  • 2,19
  • 1,11
  • 1,47
  • 1,46
  • 2,11
  • 1,37
  • 1,39

Cơ cấu dân số

edit

Theo độ tuổi

edit

Do tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số cao trong một thời gian dài nên nước ta có cơ cấu dân số trẻ, tuy nhiên nước ta đang dần bước vào thời kì "dân số vàng". Đây là một cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế.

Dân số ở nhóm tuổi 0 – 14 chiếm tỉ lệ cao đặt ra những vấn đề cấp bách về văn hoá, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm cho số công dân trong tương lai này.

Theo giới tính

edit

Ở nước ta, tỉ số giới tính của dân số đang thay đổi. Tác động của chiến tranh kéo dài làm cho tỉ số giới tính mất cân đối (năm 1979 là 94,2). Cuộc sống hoà bình đang kéo tỉ số giới tính tiến tới cân bằng hơn (từ 94,9 năm 1989 lên 96,9 năm 1999).

Tỉ số giới tính ở một địa phương còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi hiện tượng chuyển cư. Tỉ số này thường thấp ở nơi có các luồng xuất cư và cao ở nơi có các luồng nhập cư. Tỉ số giới tính thấp nhất là ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, nơi liên tục nhiều năm có các luồng di dân nông nghiệp tới các địa phương Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Một số tỉnh thuộc Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước có tỉ lệ nhập cư cao nên tỉ số giới tính cao rõ rệt.

Tham khảo

edit
  • SGK Địa lí 9 – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ mười lăm – 2020).