Cái đức đó là đức tự nhiên, nghĩa là giữ thiên chân, theo thiên tính, không bận tâm đến sinh tử, thị phi, đắc thất, đói khát, nóng lạnh… vì tất cả những cái này chỉ là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời, coi thân thể mình như chỗ cư ngụ tạm, coi thanh sắc là ảo tưởng; trút bỏ hết thế tình, không dùng đến trí tuệ, lễ tín, đức huệ, cũng không chế tạo, sản xuất một cái gì – như vậy là được trời nuôi, mà cũng không nên biện luận, dựng một học thuyết nào cả.

Tại nước Lỗ có người cụt chân tên là Vương Đài. Số đệ tử theo học cũng ngang với Trọng Ni.

Thường Quí hỏi Trọng Ni:

– Vương Đài cụt mất một chân, vậy mà ở nước Lỗ bọn đệ tử đông như môn đệ của ông. Khi đứng, hắn không giảng dạy gì cả, khi ngồi hắn cũng không nghị luận gì cả, mà đệ tử khi tới học không biết gì cả, khi thôi học thì trí, đức sung mãn. Vậy là có một cách dạy mà không nói, mặc nhiên mà cảm hoá được chăng? Con người đó ra sao?

Trọng Ni đáp:

– Ông ấy là thánh nhân. Khâu tôi chưa kịp lại thăm. Tôi muốn nhận ông ấy làm thầy, huống hồ là những người còn kém tôi. Mà nào phải riêng nước Lỗ mà thôi, tôi còn muốn dắt cả thiên hạ lại học ông ấy nữa kia.

– Con người cụt chân ấy mà hơn ông thì chắc hơn các người thường nhiều lắm. Đời sống nội tâm của ông ấy ra sao?[206]

Trọng Ni đáp:

– Sống, chết là việc lớn, mà ông ấy coi thường; trời đất có sập, ông ấy cũng không bị huỷ diệt; ông ấy xét kĩ cái chân thực[207], không bị cái giả làm mê hoặc; ông ấy biết rằng vạn vật đều biến hoá, nên giữ cái căn bản chân chính[208].

– Như vậy là nghĩa làm sao?

– Xét chỗ dị biệt[209] của vạn vật thì lá gan và trái mật khác nhau cũng như nước Sở và nước Việt; xét chỗ giống nhau thì vạn vật chỉ là một. Biết được cái lẽ ấy thì không để ý đến sự nhận thức của tai mắt nữa, mà tâm linh ngao du ở chỗ hài hoà của vũ trụ. Đã thấy vạn vật là một thì không thấy có cái gì mất nữa. Cho nên Vương Đài cho mình mất một chân cũng như mất một cục đất vậy thôi.

Thường Quí hỏi:

– Ông ấy sở dĩ tự tu dưỡng được là nhờ trí năng mà biết được cái tâm của ổng, rồi do cái tâm đó mà hiểu được cái tâm bất biến của mọi thời, như vậy thì có gì mà thiên hạ qui phụ ông ấy?

– Người ta không soi bóng vào một dòng nước chảy mà vào một dòng nước đứng. Vậy thì chỉ cái gì ngưng lặng mới làm cho người khác ngưng lặng được. Những vật thụ mệnh ở đất [do đất sinh ra], chỉ có loài tùng, loài bách là giữ được chính khí, nên mùa đông cũng xanh như mùa hè. Những người thụ mệnh ở trời, duy chỉ có Nghiêu, Thuấn là giữ được chính khí, nên đứng đầu vạn vật: hai ông ấy sửa mình cho ngay được, nên sửa được những người khác cho ngay. Thấy người nào không sợ là biết người đó bảo toàn được chính khí; như một võ sĩ một mình dám đột nhập vào chỗ thiên quân vạn mã. Võ sĩ đó muốn cầu danh, lập công mà còn như vậy, huống hồ một người muốn làm chủ vũ trụ, bao gồm vạn vật, coi thân thể mình như chỗ cư ngụ tạm, coi thanh sắc là ảo tưởng, dùng trí lực mà thấy được mọi hiện tượng là thuần nhất[210], còn lòng thì không thấy có sinh, tử[211]? Người đó sẽ lựa ngày lên trời, cho nên mọi người tự nhiên qui phụ, chứ người đó đâu có quan tâm tới họ.

Thân Đồ Gia cụt một chân, cùng với Tư Sản nước Trịnh[212] theo học Bá Hôn Vô Nhân. Tử Sản bảo với Thân Đồ Gia:

– Nếu tôi ra trước thì anh ở lại một chút rồi sẽ ra sau; nếu anh ra trước thì tôi ở lại rồi ra sau.

Hôm sau, hai người cùng ngồi một phòng, chung một chiếu. Tử Sản bảo Thân Đồ Gia:

– Chúng mình đã hẹn với nhau ai ra trước thì người kia ở lại. Bây giờ tôi muốn ra trước, anh ở lại đây một chút được không? Anh thấy tôi là một vị đại thần cầm quyền mà anh không tránh tôi, bộ anh ngang hàng với viên đại thần cầm quyền ư?

Thân Đồ Gia đáp:

– Ở trong nhà thầy mà có đại thần cầm quyền nữa ư? Anh tự khoe như vậy thì chỉ tỏ rằng anh kém người khác thôi[213]. Tôi nghe nói: “Gương mà sáng thì không bị bụi đóng vào; nếu bị bụi đóng vào thì gương bị mờ. Ở với hiền nhân lâu thì không còn lầm lỗi nữa”. Nay anh học đạo của thầy, noi gương thầy[214], mà còn ăn nói như vậy, chẳng phải là lầm ư?

– Anh đã tàn tật như vậy mà còn đòi tranh hiền với vua Nghiêu. Xét hành vi của anh đi[215], không đủ cho anh phản tĩnh sao?

– Nhiều người không nhận lỗi của mình, tự cho bị chặt chân là oan; nhưng rất ít người nhận lỗi của mình mà tự cho rằng mình không đáng còn giữ hai chân. Biết rằng sự thể không làm sao khác được mà vui lòng thuận mệnh, chỉ bậc hiền đức mới được như vậy. Ai mà đi ngang qua đường bắn của ông Nghệ[216] thì thế nào cũng bị một mũi tên, may mà thoát được là người mạng tốt đấy. Nhiều người còn cả hai chân, mỉa mai tôi. Trước kia tôi nổi giận lên, nhưng từ khi lại học thầy thì bỏ được giận mà bình tĩnh lại; không biết có phải được cái hiền đức của thầy gột rửa cho tâm hồn tôi không? Tôi đã theo học thầy mười chín năm rồi, mà thầy không hề thấy tôi cụt chân. Anh và tôi lại đây đều để sửa nội tâm mà anh lại chê cái hình hài của tôi, như vậy chẳng phải là lầm ư?

Tử Sản nghe vậy, xấu hổ, đỏ mặt lên bảo:

– Thôi, bỏ chuyện đó đi, đừng nói nữa.

Nước Lỗ có một người tên là Thúc Sơn, một bàn chân bị chặt hết năm ngón. Anh ta khập khiễng[217] lại thăm Trọng Ni. Trọng Ni bảo:

– Vì không cẩn thận, nên bị vậy, bây giờ lại thì trễ rồi.

Người kia đáp:

– Tôi chỉ vì không có kinh nghiệm, không giữ được thân thể, nên mất mấy ngón chân. Hôm nay lại đây là muốn bảo tồn cái gì quí hơn chân kia. Mới tới tôi tưởng thầy như trời, không vật gì không che; như đất, không vật gì không chở, ngờ đâu thầy lại đáp như vậy!

Trọng Ni bảo:

– Khâu này nông nổi, thầy vô đi, có điều gì xin giảng cho tôi nghe.

Người cụt ngón chân bỏ đi, không đáp. Trọng Ni bèn bảo môn đệ:

– Các anh gắng lên nhé! Người cụt ngón chân kia còn gắng học để sửa lỗi cũ, thì lẽ nào, thân thể còn vẹn toàn như các anh lại không chịu cố sức học tập.

Người cụt ngón chân đó kể lại chuyện ấy cho Lão Đam nghe; rồi hỏi:

– Khổng Khâu chưa là bậc chí nhân ư? Sao mà dạy nhiều học trò [để cầu danh] như vậy?[218] Hình như ông ấy dùng những lời kì quái, nguỵ biện để được danh tiếng, không hiểu rằng một bậc chí nhân chỉ coi cái đó là gông, cùm mà thôi.

Lão Đam đáp:

– Sao ông không giảng cho ông ấy hiểu rằng sống với chết chỉ là một, cái khả[219] và cái bất khả thì cũng như nhau, như vậy may ra cởi được gông cùm cho ông ấy?

– Trời phạt ông ấy như vậy rồi, làm sao tôi cởi gông cùm cho ông ấy được.

Vua Ai Công nước Lỗ bảo Trọng Ni:

– Nước Lỗ có một người [tên là Đà] xấu như quỉ, người ta gọi nó là thằng quỉ Đà[220]. Người đàn ông nào ở chung với hắn, hễ xa hắn là nhớ. Thiếu nữ nào đã trông thấy hắn rồi thì về thưa với cha mẹ thà làm vợ bé hắn còn hơn là vợ cả một người nào khác. Số thiếu nữ đó có trên một chục.

Không hề nghe hắn xướng xuất[221] điều gì, chỉ thấy hắn phụ hoạ thôi. Hắn không có quyền vị gì để cứu mạng cho ai, cũng không có tiền cứu đói cho người khác, mà lại xấu xí làm cho mọi người phát sợ. Hắn chỉ phụ hoạ chứ không xướng xuất mà kiến thức của hắn không vượt khỏi phạm vi trong nước[222] [nghĩa là không rộng gì], ấy thế mà đàn ông đàn bà bu lại chung quanh hắn, chắc hắn phải có gì khác người. Trẫm triệu hắn tới xem, quả thực nó xấu xí phát sợ. Hắn ở với trẫm. Chưa đầy một tháng trẫm đã để ý đến hắn, chưa đầy một năm thì trẫm tin hắn. Lúc đó khuyết viên tướng quốc, trẫm giao chức đó cho hắn. Hắn thờ ơ, có vẻ như chịu nhận, lại có vẻ như muốn từ. Trẫm thấy ngượng. Sau cùng hắn nhận. Chẳng bao lâu hắn bỏ trẫm mà đi. Trẫm rầu rĩ như người mất một cái gì. Không còn hắn thì trẫm vui với ai trong nước này đây?[223] Hắn là con người ra sao?

Trọng Ni đáp:

– Có lần Khâu này đi sứ qua nước Sở, thấy cảnh này: một con heo cái mới chết; đàn con đang bú vú mẹ, bỗng chúng hoảng hốt bỏ mẹ mà chạy tứ tán, vì chúng thấy rằng mẹ không nhìn chúng nữa, có cái gì khác rồi. Chúng yêu mẹ không phải là yêu cái thân thể, mà yêu cái tinh thần làm cho hình thể sinh động.

Chôn cất kẻ tử trận không ai dùng những đồ trang sức vũ khí để trang sức quan tài. Kẻ cụt chân không thích giầy dép. Vì đối với họ những vật đó mất cái công dụng cố hữu rồi. Bọn cung nữ nào được cử vào hầu hạ vua ban đêm thì không được cắt móng tay, xỏ tai. Đàn ông nào có vợ rồi thì phục dịch ở bên ngoài, không được hầu hạ bên cạnh vua. Những người thân thể được toàn vẹn còn được trọng như vậy huống hồ là những người tâm hồn được toàn vẹn. Tên Đà xấu xí như quỉ kia không nói gì mà được nhà vua tin cậy, không có công lao gì mà được nhà vua quí mến, giao việc nước cho hắn mà sợ hắn từ chối, như vậy tài của hắn phải toàn vẹn mà đức của hắn không hiện ra nên người ta không thấy.

Ai Công hỏi:

– Thế nào là tài toàn vẹn?

Trọng Ni đáp:

– Tử sinh, đắc thất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền ngu, chê khen, đói khát, nóng lạnh, đó là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời như ngày rồi đến đêm, mả không ai biết gốc ở đâu. Ai đạt được lẽ ấy, thì tâm thần không bị hỗn loạn, ngày đêm giữ được cái khí thuần hoà, ung dung, vui vẻ như khí xuân mà thích ứng với mọi sự biến hoá. Như vậy có cái tài toàn vẹn.

– Thế nào là đức không hiện ra?

– Nước thật yên lặng rồi thì mực nước bình[224], vì vậy mà nó có thể làm chuẩn tắc cho mọi việc; nó giữ được mực của nó ở trong mà không tràn ra ngoài. Có đức tức giữ được sự điều hoà hoàn toàn. Đức không hiện ra, nên không ai rời mình được.

Sau đó, một hôm Ai Công hỏi [một môn đệ của Trọng Ni là] Mẫn Tử Khiêm:

– Khi mới lên ngôi, trẫm giữ kỉ cương mà dắt dân, lo cho đời sống của dân, tự cho như vậy là thông đạt lắm rồi. Nay nghe lời của bậc chí nhân [tức Trọng Ni], trẫm ngại rằng mình không thực có đức, đã khinh suất mà làm hại nước. Trẫm với Khổng Khâu không phải là vua tôi, chỉ là bạn bè lấy đức giao du với nhau thôi.

Một người gù, chân quẹo, không có môi, lại thuyết vua Linh Công nước Vệ. Nhà vua thích quá tới nỗi thấy người nào bình thường cũng chê là cổ ngẳng. Một người có một cái bướu lớn như cái hủ ở cổ lại thuyết vua Hoàn Công nước Tề, nhà vua thích quá tới nỗi thấy người nào bình thường cũng chê là cổ ngẳng.

Vậy có đức lớn thì có thể làm cho người khác quên hình thể xấu xa kì quái của mình đi. Người nào không quên cái đáng quên [tức hình thể], mà quên cái không đáng quên [tức cái đức], người đó mới thực là quên[225] [nghĩa là không nhớ cái gì đáng khinh, cái gì đáng quí].

Cho nên thánh nhân tiêu giao ở chỗ hư không, coi trí tuệ là mầm thừa[226] [gây tư lự], lễ tín là thứ keo [câu thúc người ta], đức huệ là thứ tiếp dẫn, công nghệ cũng (đáng khinh) như thương mại[227]. Thánh nhân không mưu tính cái gì, đâu cần tới trí tuệ; không đẽo gọt cái gì, đâu cần tới keo[228]? Không mất cái gì đâu cần phải tiếp dẫn[229]? Không chế tạo cái gì, đâu cần đến thương mại? Bốn đức đó [không dùng trí tuệ, không dùng lễ tín, không dùng đức huệ, không chế tạo] của thánh nhân gọi là thức ăn của trời, nghĩa là thánh nhân được trời nuôi. Đã được trời nuôi, thì còn cần gì đến người nữa? Tuy có hình thể con người mà không có tình cảm con người. Vì có hình thể con người nên sống chung với con người, vì không có tình cảm con người nên không bị quan niệm thị phi làm bận lòng. Thánh nhân nhỏ xíu vì thuộc về loài người, nhưng lại vĩ đại vì đồng thể [hoặc hoà hợp] với trời.

Huệ tử hỏi Trang tử:

– Con người vốn vô tình sao?

Trang tử đáp:

– Phải.

– Người mà vô tình thì sao gọi là người được?

– Đạo[230] cho nó dong mạo ấy, trời cho nó hình thể ấy, thì sao lại không gọi là người được?

Huệ tử lại hỏi:

– Nhưng đã là người thì làm sao không có tình cho được?

Trang tử đáp:

– Cái ông gọi là tình đó, tôi không gọi nó là tình[231]. Tôi bảo vô tình là thế này: không để yêu, ghét làm thương tổn thiên tính, cứ theo luật tự nhiên, đừng làm gì thêm cho đời sống cả[232].

– Đừng làm gì thêm thì làm sao bảo tồn được thân thể?

– Đạo cho ta dong mạo ấy, trời cho ta hình thể ấy, thì đừng để cho sự yêu, ghét làm thương tổn thiên tính. Hiện nay ông hướng tinh thần vào ngoại vật làm lao khổ tinh lực ông, dựa vào cây mà biện luận, gục vào cái án mà ngủ[233]. Trời cho ông hình hài mà ông dùng nó để phiếm luận về “cứng và trắng”[234].

NHẬN ĐỊNH

edit

Sáu bài thì năm bài đầu dùng những nhân vật tưởng tượng, kì quái: cụt một chân, cụt năm ngón chân, gù lưng, không môi… mà cảm hoá được nhiều người, để tỏ rằng thân thể không đáng kể gì cả, tinh thần mới quan trọng. Người nào có đức thật cao thì chẳng làm gì cả, cũng được người khác quí mến, quên hình dáng xấu xa ghê tởm của mình đi nữa.

Cái đức đó là đức tự nhiên, nghĩa là giữ thiên chân, theo thiên tính, không bận tâm đến sinh tử, thị phi, đắc thất, đói khát, nóng lạnh… vì tất cả những cái này chỉ là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời (bài 4), coi thân thể mình như chỗ cư ngụ tạm (mất một chân cũng như mất một cục đất), coi thanh sắc là ảo tưởng; trút bỏ hết thế tình, không dùng đến trí tuệ, lễ tín, đức huệ, cũng không chế tạo, sản xuất một cái gì (bài 5) (như vậy là được trời nuôi), mà cũng không nên biện luận, dựng một học thuyết nào cả (bài 6).

Trang tử dùng hai hình ảnh để tả cái tâm của bậc chí đức đó: trong bài 2 ông coi nó như một tấm gương sáng, bụi không đóng vào được; trong bài 4, ông bảo nó như một làn nước phẳng lặng, mực nước bình rồi mới làm tiêu chuẩn cho mọi việc, như ống thuỷ chuẩn ta dùng coi xem chỗ nào cao, chỗ nào thấp. Ai đạt được trình độ đó thì tuy có hình thể con người mà không có tình cảm con người (vì vậy mà gọi là vô tình), và tuy nhỏ xíu vì vẫn thuộc về loài người, nhưng lại vĩ đại như trời vì đồng thể với trời.

Chú thích

edit

[205] Nguyên văn: đức sương phù. Sung là sung mãn, đầy đủ [ở bên trong]; phù chính nghĩa là cái thẻ để làm tin, ở đây có nghĩa là hiện ra ngoài, phù hợp với ngoài, vì cái đức đó tự nhiên. L.K.h. dịch phù là đích thực.

[206] Nguyên văn: độc nhược nhi hà? Có sách dịch là: lòng con người đó chuyên nhất ra sao?

[207] Tức cái Đạo.

[208] Tức cái Đạo.

[209] Sách in là bị diệt, tôi tạm sửa lại là dị biệt (chữ Hán là dị 異 , cả câu là “Tự kỳ dị giả thị chi, can đảm Sở Việt” – [Goldfish].

[210] Nguyên văn: nhất trí chi sở tri. K.K.h. dịch là: hợp nhất trí tuệ của mình với đối tượng của nó.

[211] L.K.h. dịch là: người đó bất tử.

[212] Tức Công Tôn Kiều (Tử Sản là tên tự) là một đại phu có tài đức của nước Trịnh vào thời Xuân Thu.

[213] L.K.h. dịch là: anh khinh bạn học của mình.

[214] Có sách dịch là: anh lại đây học thầy, tôn sùng thầy.

[215] Ám chỉ rằng vì làm bậy mà bị tội chặt mất một chân.

[216] Tức Hậu Nghệ, một người đời Hạ (có sách bảo là đời Đường Nghiêu), bắn rất giỏi.

[217] Nguyên văn: chủng là đi bằng gót chân.

[218] Nguyên văn: bỉ hà tân tân dĩ học tử vi? Có sách dịch là: Sao ông ấy hâm hở học ông như vậy? Lại có sách dịch: Sao ông ấy đi đâu cũng tự khoe là một học giả như vậy?

[219] Khả là cái nên làm, hoặc cái có thể được.

[220] Nguyên văn: Ai Đài Đà. Có sách cho Ai Đài là tên họ, có sách bảo ai đài là rất xấu xí.

[221] L.K.h. dịch là cất tiếng ca hát.

[222] Nguyên văn: tri bất xuất hồ tứ vực; có sách giảng là danh tiếng không ra khỏi nước.

[223] Có sách dịch là: vui cái ngôi vua này với ai?

[224] Tức thăng bằng.

[225] Nguyên văn: nhân bất vong kì sở vong, nhi vong kì sở bất vong, thử vị thành vong. Có người giảng là: Người nào quên thân thể mình là không quên gì cả, chỉ người nào không quên thân thể mà quên cái đức, thì mới thực là quên. Có sách giảng là: người nào không quên thân thể mình mà quên cái đức của mình mới thực là quên mình. L.K.h. dịch là: người nào làm cho người khác quên sự hoàn toàn của mình, người đó đạt được sự toàn phúc.

[226] Hoặc cái mầm ác, vì thời Trang tử có lẽ chưa phân biệt chữ nghiệt có chữ tử với chữ nghiệt có chữ mộc ở dưới; hai chữ ấy dùng thay nhau.

[227] Vì chế tạo thì phải bán. Mà thời đó người ta khinh thương mại.

[228] Sách in nhầm là kéo. Keo: chữ Hán là giao 膠 (chất dính) – [Goldfish].

[229] Tiếp dẫn: chữ Hán là án 按, Nguyễn Duy Cần dịch là tiếp nối.

[230] Tức âm dương.

[231] Nguyên văn: Thị phi ngô sở vị tình dã. L.K.h. dịch là: quan niện thị phi đó là tình.

[232] Nguyên văn: bất ích sinh. L.K.h. dịch là: đừng lạm dụng, lợi dụng đời sống. H.C.H. dịch là: đừng làm gì để thêm vào cái bản tính tự nhiên. Tôi cho rằng ba chữ đó có nghĩa là: (cứ theo luật tự nhiên) đừng làm gì khác, ví dụ đừng đặt ra lễ nghĩa, đau ốm cứ nghỉ ngơi, để cơ thể tự nhiên chống với bệnh, hoặc đừng lập ra thuyết này thuyết khác.

[233] Nguyên văn: Cảo ngô nghĩa là cây ngô đồng khô. Hầu hết các sách tôi có đều giảng là cái kỉ, tức cái án (làm bằng gỗ ngô đồng?).

[234] Thuyết tách lìa “trắng và cứng” (li kiện bạch) này của Công Tôn Long. Như nhìn phiến đá trắng, lúc thì ta thấy nó trắng mà không thấy nó cứng; lúc thì thấy nó cứng mà không thấy nó trắng, thấy cái nọ thì không thấy cái kia, như vậy là cái nọ lìa cái kia, cái nọ không chứa cái kia. (Coi Đại cương triết học Trung quốc I, trang 410 – Cảo Thơm – 1965, Sài Gòn).