Con đường tơ lụa
Từ năm 138 TCN, Vũ đế cũng cử Trương Khiên hai lần dẫn đoàn sứ bộ đi về các vùng phía tây, và quá trình khai phá con đường hiện được gọi là Con đường tơ lụa từ Trường An (Tây An, tỉnh Thiểm Tây hiện nay), xuyên qua Tân Cương và Trung Á tới bờ phía đông Địa Trung Hải.
Tiếp theo các đoàn sứ bộ của Trương Khiên, các quan hệ giữa Trung Quốc và Trung cũng như Tây Á phát triển, khi ngày càng có nhiều đoàn sứ thần Trung Quốc được cử đi trong cả thế kỷ thứ 1 TrCN, khởi đầu sự phát triển của Con đường tơ lụa:
- Phái đoàn sứ bộ lớn nhất đi ra ngoại quốc gồm vài trăm người, trong khi đoàn ít nhất cũng hơn 100
người... Trong một năm có từ năm, sáu đến hơn mười đoàn được phái đi.
Trung Quốc cũng cử các phái đoàn tới Parthia, và tiếp sau là nhiều phái đoàn đi lại giữa hai nước khoảng năm 100 TrCN.
- Khi đoàn sứ bộ Hán lần đầu tiên tới vương quốc An Tức-Anxi (Parthia), nhà vua Anxi đã gửi một đoàn 20.000 kỵ binh tới gặp họ ở biên giới phía đông vương quốc... Khi các đoàn sứ bộ Hán trở về nước, vua Anxi cũng gửi các đoàn sứ của mình đi theo cùng với họ... Hoàng đế rất hài lòng về điều này.
Nhà sử học La Mã Florus miêu tả sự viếng thăm của nhiều đoàn sứ bộ, trong đó có Seres (người Trung Quốc), tới vị hoàng đế đầu tiên của La Mã là Augustus, cầm quyền từ năm 27 TCN đến năm 14:
- Thậm chí các nước còn lại của thế giới, vốn không phải là mục tiêu của sự thống trị của nó cũng nhận thức được sự vĩ đại của nó, và nó được chiêm ngưỡng với lòng kính trọng dành cho người dân La Mã, nhà chinh phục vĩ đại của các quốc gia. Vì thế thậm chí người Scythia và Sarmatia cũng gửi các đoàn sứ giả tới để tìm kiếm tình hữu nghị với La Mã. Không những thế, người Sere cũng tới và người Ấn Độ cư trú ở bên dưới đỉnh mặt trời cũng mang tới những quà tặng gồm đá quý và ngọc trai và voi, nhưng hãy bớt nghĩ về thời điểm đó mà hãy nghĩ nhiều hơn về sự to lớn của con đường họ đã đi qua, và họ đã nói rằng phải mất bốn năm. Trên thực tế phải nhìn vào nước da của họ để thấy rằng họ là giống người ở tại một vùng khác trên Trái Đất so với chúng ta Henry Yule.
Năm 97, một vị tướng Trung Quốc là Ban Siêu đã đi về phía tây tới tận biển Caspi với 70.000 quân và thiết lập các liên hệ quân sự trực tiếp với đế chế Parthia, và cũng sai Cam Anh đi sứ tới La Mã.
Nhiều đoàn sứ bộ La Mã đến Trung Quốc kể từ năm 166, và được ghi chép chính thức trong biên niên sử Trung Quốc. Những sự trao đổi hàng hóa như tơ lụa Trung Quốc, ngà voi châu Phi và hương trầm La Mã làm tăng cường tiếp xúc giữa Đông và Tây.
Các tiếp xúc với đế quốc Quý Sương dẫn tới việc đưa Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Quốc ở thế kỷ 1.