Vua ngu thì nước nguy dân loạn, vua hiền thì dân trị nước yên. Nên họa phúc là ở vua, không phải ở thiên thời
Khi vua Nghiêu trị vì thiên hạ, không trang sức vàng bạc châu báu, không mặc đồ gấm vóc xa hoa, không nhìn vật lạ kỳ, không quí đồ tốt đẹp, không nghe nhạc phóng đãng, không trang hoàng cung viện, không chạm trổ kèo cột, không cắt cỏ trong vườn.Dùng áo bông mặc khi trời rét, lấy áo vải để che thân, lấy gạo xấu làm cơm, lấy rau hoắc làm canh.Không bày chuyện bắt dân sưu dịch để thiệt hại mùa màng, dân chúng. Dốc hết tâm trí vào công việc giáo hóa nhân dân.Quan nào trung chính thi hành pháp luật thì nâng cao ngôi vị, liêm khiết thương dân thì cho bổng lộc nhiều. Ai nhân từ hiếu đễ thì kính yêu, có công trồng trọt thì khích lệ, đạo đức hiền thục thì treo biển nêu danh nơi cổng làng.Giữ lòng công bình chính trực, dùng pháp luật ngăn cấm điều gian dối. Người mình ghét mà có công thì vẫn thưởng, người mình yêu mà có tội vẫn phạt.Nuôi dưỡng những người già yếu, góa bụa đơn côi, giúp đỡ các gia đình tai ương chết choc.Lễ vật dân dâng thì lấy rất nhẹ, thuế má sưu dịch thì cần rất ít nên muôn dân giàu có vui vẻ, không có cảnh đói rét điêu linh. Trăm họ thờ vua như mặt trời, mặt trăng, thương vua như cha mẹ vậy
Vua hiền phải biết thương dân
Làm lợi mà đừng hại, giúp nên mà đừng phá. Để sống mà đừng giết, ban cho đừng chiếm đoạt. Để vui đừng gây khổ, khiến họ mừng mà không giận.
Dân không mất việc là lợi, trồng trọt không lỡ màu là nên. Giảm bớt hình phạt là sống, thu thuế nhẹ là cho. Ít xây cất đền đài là vui, quan lại thanh liêm không sách nhiễu dân là mừng.Dân bị mất việc là hại, trồng trọt lỡ mùa là hư. Không tội mà phạt là giết, thu thế nặng là đoạt. Xây nhiều đền đài khiến dân mỏi mệt là khổ. Quan lại tham ô sách nhiễu dân lành là giận.Nên người trị nước chăm sóc dân như cha mẹ thương con, như anh thương em, thấy dân đói rét thì lo, thấy dân khổ nhọc thì buồn, thưởng phạt như chính mình phải chịu, thu thuế như chính mình phải đóng. Đấy là đạo thương dân”.
Lễ nghi của đạo vua tôi
Trên phải soi xét, dưới phải thâm trầm, soi xét mà không xa dân, thâm trầm mà không giấu giếm. Trên phải chu toàn, dưới phải yên định. Chu toàn là trời, yên định là đất. Có trời có đất thì thành đại lễ
Đừng nghe xằng mà hứa, đừng thấy trái mà chống. Hứa sẽ không giữ được, chống sẽ gặp bế tắc. Núi cao không thấy ngọn, vực sâu nhìn xuống không thấy đáy. Cái đức của bậc thánh minh là công chính,trầm tĩnh vô cùng
Khoan thai mà điềm tĩnh, ôn hòa nhưng thẳng thắn. Định trước mọi việc, cho mà không tranh, khiêm nhường bình dị, lấy công bằng mà xử thế”.
Mắt quý ở chổ sáng, tai quý ở chổ rõ, lòng quý ở chổ biết. Lấy mắt của thiên hạ mà xem thì không có gì là không nhìn thấy. Lấy tai của thiên hạ mà nghe, thì không có gì là không nghe thấy. Lấy lòng của thiên hạ mà nghĩ thì không có gì là không biết. Họp dân lại mà làm thì sáng suốt, không gì có thể che lấp được".
Đạo thành bại
Thấy người lành mà khinh, thời cơ đến mà nghi, biết sự trái mà làm, là ba điều khiến cho đạo phải ngưng.Còn nhu mà tĩnh, cung mà kính, mạnh mà mềm, nhịn mà cứng, là bốn điều khiến cho đạo được hưng khởi.Nên danh nghĩa thắng dục vọng thì thịnh, dục vọng thắng nhân nghĩa thì mất, kính thắng khinh thì tốt, khinh thắng kính thì bị diệt.”
Làm vua có sáu điều phải giữ và ba điều quý
6 điều phải giữ . Một là nhân, hai là nghĩa, ba là trung, bốn là tín, năm là dũng, sáu là mưu. Đấy là sáu điều phải giữ. Giàu có mà không phạm pháp, được quý trọng mà không kêu căng, giao việc mà không thay lòng, sử dụng mà không phải đề phòng, lâm nguy mà không sợ hãi, xử lí công việc mà không lúng túng.Giàu sang mà không phạm pháp là nhân, cao quý mà không kêu căng là nghĩa, được giao phó mà không đổi lòng là trung, được dùng mà không đề phòng là tín, lâm nguy mà không sợ hãi là dũng, xử lí công việc mà không lúng túng là mưu.Làm vua không có ba điều quý thì mất quyền uy.”
Ba điều quý . Đại nông, đại công, đại thương là ba điều quý.Nhà nông canh tác trong làng thì lúa gạo đủ ăn. Người thợ hành nghề trong làng thì dụng cụ đủ dùng. Thương gia buôn bán trong làng thì hàng hoá đủ tiêu dùng. Ba điều quý này đặt yên ở mỗi nơi thì dân không lo nghĩ, không loạn trong làng, không loạn trong họ, quan không giàu hơn vua, đô thị không to hơn nước.Sáu điều giữ được lâu dài thì vua mạnh. Ba điều quý được vuông tròn thì nước yên.”
Việc giữ đất đai
Không xa người thân, không khinh người lành, an ủi kẻ giúp việc cho mình, chế ngự lân bang ở bốn mặt.Không mượn người nhiếp chính. Mượn người nhiếp chính sẽ mất quyền hành. Không đào hoang mà đắp gò. Không bỏ gốc mà chừa ngọn.Mặt trời lên đỉnh đầu thì đất phải nắng, cầm dao phải cắt, cầm rìu phải chặt. Đứng bóng mà không nắng thì trái thời. Cầm dao mà không cắt thì bỏ lỡ dịp bén. Cầm rìu mà không chặt thì giặc sẽ đến nơi.Nước chảy lâu ngày sẽ thành sông ngòi. Một đớm lửa nhỏ không dập sẽ bốc lên cao. Hai nhánh cây không phạt thì sau phải dùng đến búa to.Nên làm vua phải lo việc giàu thịnh. Không giàu thì không có gì để làm việc nhân. Không thịnh thì không lấy gì để kết tình thân thiện. Xa người thân thì hại. Mất dan lành thì hỏng.Không mượn nhân tài, vũ khí của người. Mượn nhân tài và vũ khí của người thì sẽ bị hại, không giũ tròn quyền cai trị của mình.”
Kính mến dân lành, kết hợp người thân. Kính mến dân lành thì hoà thuận. Kết hợp người thân thì vui vẻ. Đấy là đầu mối của nhân nghĩa.Đừng để người khác cướp uy vua, dựa vào sự sáng suốt, thuận với lẽ thường. Người theo thì lấy đức mà dùng, kẻ nghịch thì lấy thế mà diệt.Không đa nghi thì thiên hạ mới hoà phục.”
Việc giữ nước
“Trời sinh ra bốn mùa, đất sinh vạn vật, trong thiên hạ có dân, bậc thánh nhân phải trông nom dẫn dắt.Nên mùa xuân là mùa sinh nở, vạn vật tốt tươi. Mùa hạ là mùa tăng trưởng, vạn vật lớn mạnh. Mùa thu là mùa ngưng tụ, vạn vật đầy đủ. Mùa đông là mùa ẩn tàng, vạn vật yên tĩnh.Đầy đủ thì ẩn tàng, ẩn tàng rồi lại phát ra không biết đâu là đầu, không biết đâu là đuôi. Thánh nhân so sánh để tìm ra lẽ bất dịch của trời đất.Nên phải dùng âm mà phát, dùng dương mà hội. Khởi sướng trước trong thiên hạ rồi mới làm, làm khác với lẽ thường để hoà hợp. Không tiến mà tranh, không lui mà nhường. Giữ được như thế thì nước nhà có thể vinh quang như trời đất”.
Làm vua phải nâng người hiền, hạ kẻ dữ, lấy sự thành tín, bỏ điều gian xảo, cấm chuyện bạo tàn, ngăn việc xa hoa. Nên làm vua có sáu điều hư và bảy điều hại”.
Sáu điều hư là:
1. Bề tôi cất lâu đài thủy tọa to lớn, đàn hát vui chơi phương hại đến mức độ của vua.
2. Dân không lo trồng trọt, vui thú chơi bời, phạm điều luật cấm, không nghe quan dạy, phương hại đến phong hóa của vua.
3. Bề tôi cấu bè kết đảng, che lấp người hền trí, ngăn trở sự sáng suốt của chú, phương hại đến quyền hành của vua.
4. Kẻ sĩ có ý chống đối, nhờ tiết tháo thanh cao mà có uy thế, ngoài thì kết giao với chư hầu, không tôn trọng chúa, phương hại đến uy danh của vua.
5. Bề tôi khinh rẻ tước ngôi, làm điều xấu xa gây khó khăn cho thượng cấp, phương hại đến công lao của bậc cung thần.
6. Những tông phái mạnh chiếm đoạt quyền hành, áp bức người nghèo yếu, phương hại đến nghề nghiệp của dân.
Bảy điều hại là:
1. Những kẻ không trí lược quyền mưu mà được trọng thưởng tước cao nên hùng hổ coi thường, cậy vào sự rủi may. Vua phải cẩn thận, không nên cho làm tướng.
2. Những kẻ có tiếng mà không có tài, ra vào dị nghị, phô bày điều tốt che giấu việc hay, khéo lui khéo tiến. Vua phải cẩn thận không nên bàn mưu.
3. Những kẻ hình dáng ra vẻ chất phát, ăn mặc giản gị, đối đáp như không cầu danh, nói năng có vẻ không cầu lợi, là người giả dối. Vua phải cẩn thận không nên gần gũi.
4. Những kẻ đai mũ khác người, mặc đồ kì dị, hay nghe biện bác, bàn luận cao xa, ở nơi vắng vẻ, cho mình là tốt, chê bai thế tục, là người gian xảo. Vua phải cẩn thận, không nên sủng ái.
5. Những kẻ dèm pha, nịnh hót để cầu quan tước, tham lam vô độ, coi thường cái chết, thấy lợi thì làm, không nghĩ đại sự, đặt điều hư thực, nói trước mặt vua. Vua phải cẩn thận không nên tin dùng.
6. Những kẻ hành nghề chạm trổ đồ gang sắt, tuy khéo léo đẹp đẽ nhưng có hại cho việc nhà nông. Vua phải cấm đoán.
7. Những kẻ có thuật dị kì giả dối, đồng bóng tà đạo, nói điều không tốt, mê hoặc dân lành. Vua phải ngăn cấm.
Cử hiền
“ Vua thấy người đời khen thì cho là người hiền, thấy người đời chê thì cho là không hiền. Nên nhiều người phe đảng ủng hộ thì có thể tiến thân, người ít phê đảng ủng hộ thì phải đưa về. Do đó mà bọn gian tà liên kết để che giấu người hiền.Do đó trung thần vô tội mà bị chết, gian thần nhờ hư danh mà được tước vị, nên đời càng loạn, thì nước không tránh khỏi cảnh nguy vong”. “Phân định chức vụ tướng quân và tướng quốc rồi chọn người hiền ra làm quan bằng cách thi tuyển danh tài, tài phải xứng với danh, danh phải xứng với tài thì mới đúng là cử người hiền.”
Thưởng phạt
Thưởng quý ở chữ tín, phạt quý ở chữ đúng. Thưởng cho đúng công, phạt cho đúng tội, để cho mọi người nghe thấy, thì những người không nghe thấy không khỏi không thầm phục.Lòng thành còn thấu đến trời đất, thông đến thần linh, huống hồ là đối với con người”.
Đạo dùng binh
Phạm đạo dùng binh lấy đạo làm gốc, lấy thân biến hóa làm ngọn, tùy thời cơ mà sử dụng, tùy thời thế mà thể hiện, do vua mà hình thành. Nên bậc thánh vương gọi việc binh là việc hệ trọng bất đắt dĩ mới dùng đến.