Giáo dục công dân 9/Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân

1. Hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa một nam và một nữ trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, được Nhà nước thừa nhận, nhằm chung sống lâu dài và xây dựng một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
Tình yêu chân chính là cơ sở quan trọng của hôn nhân.
2. Những quy định của pháp luật nước ta về hôn nhân
a) Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân ở Việt Nam hiện nay :
‒ Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng.
‒ Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
‒ Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
b) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hôn nhân :
‒ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định và phải được đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
‒ Cấm kết hôn trong những trường hợp người đang có vợ hoặc có chồng ; người mất năng lực hành vi dân sự (bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình) ; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời ; giữa cha, giữa mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
‒ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa người với người cùng giới tính.
‒ Vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Vợ, chồng phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm và nghề nghiệp của nhau.
3. Chúng ta phải có thái độ thận trọng, nghiêm túc trong tình yêu và hôn nhân, không vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân.

Tham khảo edit

  • SGK GDCD 9 (NXB Giáo dục Việt Nam, 2020) – trang 41, 42 ; Bài 12 : Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân.