Giáo lý Phật giáo/Nhân Duyên

Trong vũ trụ mọi sự vật không phải đơn thuần tách rời từng món, mà có liên quan mật thiết với nhau, xoắn lấy nhau, đan lấy nhau ảnh hưởng lẫn nhau, tương phản nhau, thừa tiếp nhau. Để nói đúng trạng thái chằng chịt giữa sự vật, đạo Phật thường dùng danh từ "Nhân duyên", nghĩa là mọi sự, mọi vật có ra là nhờ duyên với nhau, nương vào nhau, hay tương phản nhau mà thành, chứ không có một cái nào đứng biệt lập được.

Chính vì mọi sinh vật trong vũ trụ đều là duyên sinh duyên diệt, (Sinh Tử tuỳ Duyên - Duyên khởi thì sinh , Duyên tận thì diệt) cho nên tất cả mọi hiện tượng đều là hư huyễn, tạm bợ, không phải là vĩnh hằng và đã không tồn tại vĩnh hằng, thì là không giả. Phật giáo gọi đó là "duyên sinh tính không".

Không có sự vật nào là cố định, không biến đổi; đều biến hóa vô thường, sự vật đó không phải "thực tại" chứ không phải là không tồn tại. Thực ra, Phật giáo thông qua sự phân tích quan hệ duyên sinh mà giải thích đạo lý "không có thực thể".

Mười hai nhân duyên

edit
 

Mười hai nhân duyên được Ðức Phật định nghĩa gồm hai chiều hướng: chiều hướng sinh khởi (còn gọi là lưu chuyển: do vô minh, hành sinh...) và chiều hướng đoạn diệt (còn gọi là hoàn diệt: do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt...). Khi mười hai nhân duyên được thành lập (tập khởi), nghĩa là năm uẩn tập khởi, và đây là chiều hướng của khỗ đau, luân hồi. Khi mười hai mắc xích này bị phá vỡ (đoạn diệt) thì cấu trúc năm uẩn cũng tan rã, và đây là con đường của an lạc, giải thoát. Năm uẩn chính là cấu trúc của con người và cuộc đời. Sự hiện hữu của con người tự nó nói lên mười hai nhân duyên đang vận hành theo chiều tập khởi.

Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh sinh, có lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khỗ uẩn sinh. Ðây gọi là Duyên khởi .
Do đoạn diệt [2] tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; ...; do sinh diệt nên lão tử, sầu bi, khỗ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khỗ uẩn đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là đoạn diet .


1) Vô minh

Vô minh là trạng thái mờ ám, si mê, không tỏ ngộ chân tâm. Vô minh chỉ là tiếp diễn của sự chết (Tử). Lúc chết, thân thể bị hủy hoại, nhưng Vô minh vẫn tồn tại. Nó là nguyên nhân của HÀNH, tức là các hành động được tạo ra trong cuộc sống sau này.

2) Hành

Hành là hành động, tạo tác. Do Vô minh, phiền não nổi lên làm cho Thân, Khẩu, Ý tạo tác các nghiệp lành hay dữ, nên gọi là Hành. Vô minh và Hành được coi là 2 Nhân duyên thuộc quá khứ.

3) Thức

Thức là Thần thức, chỉ về phần tinh thần. Sau khi chết, các nghiệp dẫn dắt Thần thức đi đầu thai để chịu quả báo. Trong đời sống hiện tại, giai đoạn thứ nhất là Thức (Kết sinh thức), nó tương đương với giây phút đầu tiên thai nghén một hài nhi. Nó chưa có ý thức nhưng cái tâm tiềm thức hay Kết sinh thức hướng nó vào sự sống. Khi cái tâm tiềm thức này tiến tới một bước tạo thành hữu hình, đó là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại: Danh Sắc.

4) Danh Sắc

Sắc là thân thể. Trong thân thể có 2 phần: Phần tinh thần (Tâm) chỉ có tên gọi chớ không hình tướng nên gọi là Danh; phần hình thể gọi là Sắc. Danh Sắc là giai đoạn phát triển để Tâm và Thân lần đầu tiên kết hợp lại thành một tổ hợp, đó là một hài nhi với đầy đủ tinh thần (Tâm) và thể xác (Thân).

5) Lục nhập

Lục nhập là 6 chỗ vào. Khi đã có Thân thể rồi thì đương nhiên phải có Lục Căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, là những chỗ để cho Lục Trần xâm nhập vào, nên mới gọi là Lục nhập. Lục trần là: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

6) Xúc

Xúc là tiếp xúc. Giai đoạn này tương ứng với 1 hay 2 năm đầu của trẻ sơ sinh. Sáu quan năng phát triển và hoạt động, nhưng quan năng xúc giác nổi bật hơn cả. Đứa bé gặp gì cũng sờ mó để tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng xúc giác của nó.

7) Thọ

Thọ là nhận lĩnh. Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần thì lĩnh thọ những cảnh vui buồn, sướng khổ. Hài nhi bắt đầu biểu lộ ý thức và lộ ra những tính cá biệt. Từ giai đoạn Thức đến giai đoạn Thọ, được gọi là 5 quả của quá khứ xuất hiện ra trong đời sống hiện tại.

8) Ái

Ái là ưa muốn. Khi thọ lĩnh cảnh vui thì sinh lòng tham, muốn làm sao cho vui hoài; khi gặp cảnh khổ thì sinh lòng sân hận, buồn rầu, muốn xa lìa. Đây là động cơ thúc đẩy Thân, Khẩu, Ý tạo tác các Nghiệp.

9) Thủ

Thủ là giữ lấy. Vì tham dục nên cố giữ lấy những thứ khoái lạc làm mục đích cuộc sống. Dẫu biết sống là khổ, nhưng vẫn không từ bỏ những cái đúng theo sở thích. Do đó Thủ mà có Hữu.

10) Hữu

Hữu là có, có ta hiện diện trong cuộc sống ở thế gian. Những cái ta thích, nó làm cho ta ham sống. Hữu là Quả của Thủ và làm Nhân của Sinh. Ái, Thủ, Hữu biểu hiện cho 3 giai đoạn trong các hành động của tuổi trưởng thành, kết hợp lại thành 3 Nhân duyên của hiện tại. Khi một cá thể thụ hưởng những hiệu quả của quá khứ thì cũng đang tạo tác những nguyên nhân cho kiếp sống vị lai.

11) Sinh

Sinh là sinh ra. Do Ái, Thủ, Hữu làm Nhân hiện tại tạo ra các Nghiệp, nên qua đời sau phải tái sinh để thọ chịu quả báo.

12) Lão và Tử

Lão và tử là già rồi chết. Sinh ra, lớn lên, già rồi chết. Sinh tử cứ luân chuyển thay đổi nhau. Chết là thể xác, còn là tinh anh. Cái tinh anh ấy lìa bỏ thể xác nhưng vẫn lẩn quẩn trong Vô Minh, cho nên lại mang cái Nghiệp mà lưu chuyển chìm nổi trong vòng Lục đạo Luân hồi. Hễ còn Luân hồi là còn khổ.

Trong Bánh xe Sinh hóa này, thời hiện tại được đặc biệt giải thích chi li với 8 giai đoạn, nhưng thực sự thì Vô Minh và Hành là của quá khứ, Sinh và Tử là của tương lai, cũng có những giai đoạn tương tự như hiện tại. Trong 12 Chi Nhân duyên, Vô minh, Ái, Thủ, được gọi là Hoặc (Mê hoặc); trong khi đó Hành và Hữu thuộc Nghiệp quả. Các Chi còn lại gồm 5 quả hiện tại và 2 quả vị lai là thuộc về Khổ quả, tức là kết quả của đau khổ.