Hỏa giáo hay Bái Hỏa giáo còn được gọi là "Bái hỏa giáo, Hỏa yêu giáo, hoặc Đạo Zarathushtra", nhà tiên tri Zarathushtra là người đầu tiên sáng lập ra đạo Zarathushtri vào khoảng 1000 năm trước công nguyên và được xem một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, với bộ kinh chính thức là kinh Avesta (Cổ kinh Ba Tư).Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, với bộ kinh chính thức là Kinh Avesta (Cổ kinh Ba Tư) tôn vinh thần trí tuệ Ahura Mazda là thần thế lực cao nhất. Các đặc điểm nổi bật của Hỏa giáo, bao gồm lòng tin vào một đấng cứu rỗi sẽ tới cứu giúp nhân loại, thiên đàng và địa ngục, và tự do ý chí được cho rằng đã ảnh hưởng đến các hệ thống tôn giáo sau đó như: Do thái giáo đền thờ thứ hai, thuyết ngộ đạo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tôn giáo này phát triển mạnh ở Ba Tư từ thế kỷ 7 TCN, sau đó, phát triển sang nhiều nước khác ở Trung Đông, Ấn Độ và Trung Hoa.

Đạo phát triển mạnh ở Iran khoảng thế kỉ 10 – 7 trước công nguyên. Sau đó, phát triển sang nhiều nước khác ở Trung Đông, Ấn Độ và Trung Hoa.

Bái Hỏa giáo cho rằng trong thời nguyên thủy đã tồn tại hai loại thần linh là "Thiện và Ác", họ đều có sức mạnh sáng tạo và hơn thế còn tổ chức các trận địa của mình. Thần Thiện Ahura Mazda có ý là “chúa của trí tuệ”, thần Ác Angara Mainyu là nơi hội tụ của mọi tội ác như đen tối, chết chóc, hủy diệt, tội ác. Cả hai vị thần này đều có những hiền thần hoặc quyến thuộc trung thành, họ đã tiến hành những cuộc đọ sức, chiến tranh. Cuối cùng Thiện thần đã thắng Ác thần, đi theo thần Thiện để chủ quản thế giới gồm có 7 vị đại Thiên thần ( Thánh linh, Thiện tư, Thiên tắc, chính nghĩa, Kiền kính, tùy tâm, Vương quốc lý tưởng, hoàn hảo và bất hủ).

Bái Hoả Giáo được chia ra 2 đặc tính: nam (Chính nghĩa, Thiện tư, Vương quốc) và nữ (Kiền kính, hoàn thiện, bất hủ). Trong cuộc đấu tranh Thiện ác, Thần Thiện đã sáng tạo ra thế giới để làm tăng sức mạnh đấu tranh của mình. Do đó, trong quá trình đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác cũng là quá trình sáng tạo và hủy diệt thế giới.


Zarathustra trong ngôn ngữ cổ Avetsta có nghĩa là “con lạc đà màu vàng” hay “người cưỡi lạc đà”. Từ họ Spitama của ông có thể nhận thấy ông xuất thân trong 1 gia đình kỵ sĩ quý tộc Anxi. Theo căn cứ từ các truyền thuyết của Hỏa giáo thì ông sinh vào 628TCN, mất 551TCN, tuy nhiên vẫn có nhiều tranh luận về năm sinh của Zarathustra, đa phần ước tính vào khoảng 1000 năm TCN.

Năm 20 tuổi Zarathustra bỏ nhà sống ẩn dật, năm 30 tuổi nhận được “thần khải” nên đã tiến hành cải cách đối với Đạo Đa thần truyền thống của Ba Tư, sáng lập ra Bái Hỏa giáo. Sau đó, ông lưu lạc ở nhiều vùng Ba Tư, bị đại biểu thần quyền quan lại Ba Tư bức hại, rất ít người tin theo ông. Năm 558TCN, ông được quốc vương Vishtaspa của Batricia tiếp đón, quan tể tướng nước này lấy con gái ông làm vợ nê được nhiều quan đại thần và quý tộc tin theo.

Từ đó, Bái Hỏa giáo có địa vị vững chắc, từ miền Đông Ba Tư phát triển tới miền Tây và các vùng lân cận. Năm 551 TCN, trong cuộc chiến giữa Vishtaspa và Axeospai của tộc Tolonia, Zarathustra bị sát hại ở miếu thần.

“Avetsta” có nghĩa là “tri thức”, “du lệnh” hoặc “kinh điển”, thường được gọi là Kinh cổ Ba Tư, nhưng đã bị đốt hết khi Alexandre chinh phạt vùng đất này, hiện chỉ con 1 quyển. Quyển kinh này chia ra làm 6 phần:

Yasna: sách cúng tế với các bài tán ca Visprat: sách chúng thần Vidèvadat: sách đuổi ma Yashts: sách tán dương thần linh và thiên sứ Khurda: sách cầu nguyện Một quyển sách nhỏ ghi lại các bài tụng ca rời rạc. Bái Hoả Giáo và cách phân chia lịch sử thế giới Bái Hỏa giáo chia tiến trình lịch sử của thế giới thành 4 kỳ, mỗi thời kỳ là 3000 năm:

Thời kỳ thứ nhất Thần Thiện sáng tạo ra thế giới tinh thần tĩnh lặng và bất động.

Thời kỳ thứ hai, thế giới vật chất được tạo ra mà trước hết là “lửa - ánh sáng vô hạn”, có màu sắc trắng dạng hình tròn. Đồng thời thần đã dùng đất nặn thành Gayomat (người vượn) có 4 chi cao vót, ánh sáng giống mặt trời, nhưng về sau khi bị các liêu thần của Thần Ác công kích, đã bị tiêu diệt. Hạt giống của giống loài này được bảo tồn, sau 40 năm, đã nảy sinh một đôi vợ chồng đầu tiên của nhân loại. Đôi vợ chồng này giống như cây đại hoàng cuốn chặt lấy nhau, họ xem như là thủy tổ của loài người.

Thời kỳ thứ ba, hai vị thần này đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai bên và Thần Thiện chiến thắng.

Thời kỳ thứ tư là thời kỳ Bái Hỏa giáo thống trị thế giới, quét sạch ma chúng, dẫn dắt nhân loại bước vào vương quốc của “quang minh, công bằng và chân lý”

Một số nghi thức của Bái Hoả Giáo Lửa thánh: Hỏa giáo cho rằng lửa là con trai của Thần Thiện, có sức mạnh cao nhất, thanh tịnh sáng láng và mạnh mẽ. Do vậy, lửa là con mắt của chính nghĩa. Thời cổ đại Ba Tư, lửa thánh còn được phân chia theo đẳng cấp như tế tư, võ sĩ, nông dân. Lễ tân sinh: Nam nữ lên 7 (Ấn Độ) hoặc 10 (Ba Tư) đều phải cử hành nghi thức nhập môn do các tư tế ban cho áo thánh và dây lưng thánh để làm dấu hiệu của giáo đồ chân chính. Áo thánh dùng vải thô màu trắng may thành, hai mặt trước sau tượng trưng cho quá khứ và tương lai. Dây lưng thánh tượng trưng cho phương hướng đúng đắn, được dệt bằng 72 sợi lông cừu, vòng quanh bụng 3 lượt. Nghi thức thanh tịnh: Chia làm 3 phần: Tiểu tịnh (vệ sinh thân thể sạch sẽ trước khi đọc kinh văn); Đại tịnh (tắm gội trước khi làm lễ tân sinh hoặc kết hôn dưới sự chủ trì của một vị tư tế) ; Đặc tịnh (chủ yếu cư hành đối với những người chuẩn bị đảm nhận thần cức hoặc vận chuyển thi thể người chết, cần phải có hai tư tế chủ trì. Những người tham gia loại nghi lễ này dưới sự canh giữ của một con chó; dùng nước, cát và nước đái bò để rửa sach ô uế ở trên thân thể đồng thời trừ bỏ ác tâm, và làm lễ trong vòng 9 ngày) Trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, con người có thể có ý chí lựa chọn tự do, cũng có quyền quyết định vận mệnh của mình.

Tôn giáo này tin rằng, con người sau khi chết, linh hồn phải chịu sự phán xét cuối cùng của thần quang minh Ahura Mazđa. Thần quang minh căn cứ vào lời nói và việc làm trên trần gian của con người và cho họ lên thiên đường hay vào địa ngục. Do đó, trong lúc còn sống, mọi người phải làm điều thiện, tránh điều ác, bỏ đen tối đi vào chỗ sáng. Tôn chỉ đạo đức của Bái Hỏa giáo là: “Nghĩ điều thiện, nói điều thiện, làm điều thiện”.

Đồng thời có tục cấm chôn cất người chết mà để xác cho loài chim thú ăn thịt gọi là Thiên táng (gần như ở Tây Tạng). Bái Hỏa giáo tôn thờ sự sạch sẽ của đất, nước, lửa và không khí… vì vậy người ta không hỏa táng để làm ô uế lửa và không khí, không thủy táng để làm ô uế nước, không địa táng để làm ô uế đất.

Nhưng tục thiên táng không phù hợp với quan niệm của thời đại mới, nên từ những năm 1960 tín đồ Bái Hỏa giáo đã phải bỏ tháp thiên táng và chấp nhận tục mai táng trong nghĩa trang ở dưới chân núi. Người ta mai táng tử thi trong những ngôi mộ bêtông, hạn chế việc làm “tổn hại” cho đất.

Ngọn lửa bất diệt của Bái Hoả Giáo Bái Hỏa giáo cho lửa là đại biểu của quang minh và điều thiện, tượng trưng cho Ahura Mazđa, do đó có nghi lễ thờ lửa. Trong đền thờ của Bái Hỏa giáo thường xuyên có một ngọn lửa để thờ, gọi là ngọn lửa vĩnh cửu vì được giữ không bao giờ tắt.

Ngọn lửa trong ngôi đền Ateshkadeh, ngôi đền chính của Hỏa giáo có từ năm 470 sau Công Nguyên, truyền qua nhiều nơi trước khi được lấy về đền này vào đầu thế kỷ 20. Ngọn lửa hiện đang cháy trong một cái lò bằng đồng, đặt trong căn phòng có những lớp tường kính bao quanh. Mọi người chụp ảnh ngọn lửa qua bức tường kính ấy.

Khi nghiên cứu tôn giáo Tây Phương, người ta sẽ nhận thấy có rất nhiều tôn giáo khác nhau nhưng đều thờ một vị Thiên Chúa Duy Nhất (The Only God). Những tôn giáo này xuất hiện tại nhiều nơi khác nhau và trong những thời điểm khác nhau, có thể cách nhau nhiều thế kỷ, nhưng những tôn giáo xuất hiện trước đều có những ảnh hưởng không nhiều thì ít đến giáo lý của những tôn giáo xuất hiện sau. Do đó, khi nghiên cứu về đạo Hồi chẳng hạn, chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của Do Thái Giáo và Ki Tô Giáo là những đạo Thiên Chúa đã có trước nó nhiều thế kỷ.

Hỏa Giáo Ba Tư (Zoroastrianism) cũng là một đạo Thiên Chúa xuất hiện từ một ngàn năm trước Công Nguyên và bị Hồi Giáo tiêu diệt vào thế kỷ 10 sau Công Nguyên. Như vậy, Hỏa Giáo đã có trước Ki Tô Giáo cả ngàn năm và có thể đã xuất hiện trước hoặc cùng thời với Do Thái Giáo. Qua hai ngàn năm tồn tại, Hỏa Giáo đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong cả ba đạo Thiên Chúa là Do Thái, Ki Tô và Hồi. Vì Hỏa Giáo đã bị suy tàn hơn 10 thế kỷ qua nên ít có ai quan tâm đến nó, nhưng đối với các nhà chuyên nghiên cứu về tôn giáo thì Hỏa Giáo vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử các đạo thờ Chúa. Việc tìm hiểu những điều sơ lược về Hỏa Giáo Ba Tư thiết tưởng cũng là một điều cần thiết và bổ ích để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các đạo Chúa hiện nay.

Ảnh hưởng rõ rệt nhất của Hỏa Giáo Ba Tư đối với các đạo thờ Chúa (Do Thái, Ki Tô, Hồi) là ý niệm về Thiên Thần. Tất cả các tên thiên thần quen thuộc như Mi-ca-e (Michel, Micheal) Gabriel, Raphael và ý niệm về các thiên thần hộ mạng (guardian angels) đều là những sản phẩm của Hỏa Giáo Ba Tư. Những ý niệm về thiên thần xuất hiện lần đầu tiên tại Ba Tư (nay là Iran) vào khoảng năm 1000 TCN, khi nước này phát triển một tôn giáo gọi là Zoroastrianism. Tôn giáo này mang tên của vị sáng lập là Zarathrusta, phiên âm sang tiếng Hy Lạp là Zoroaster. Các học giả tôn giáo hiện nay tin rằng Zoroaster là một người có thật, sinh khoảng năm 1000 TCN hoặc sớm hơn và có thể cùng thời với Moses tức khoảng 1250 TCN.

Có một điều rõ rệt nhất là lịch sử Ba Tư đã xác nhận đạo Hỏa Giáo đã từng là quốc giáo của nước này từ thế kỷ 6 TCN đến thế kỷ 7 sau Công Nguyên, tức ròng rã trong 13 thế kỷ! Vào cuối thế kỷ 7, nước Ba Tư bị quân Hồi Giáo Ả Rập xâm chiếm và toàn dân bị cưỡng bách theo đạo Hồi.

Người Trung Quốc gọi đạo Zoroastrianism là Hỏa Giáo, hoặc Thánh Hỏa Giáo, vì trong đền thờ Zoroastrianism, người ta chỉ đốt một ngọn lửa duy nhất đặt trên một cái khay ở bàn thờ để mọi tín đồ tập trung tư tưởng khi cầu nguyện Thượng Đế. Vì vậy, người ta gọi đền thờ của tôn giáo này là "Đền thờ lửa" (The Fire Temple). Sự thật, Hỏa Giáo không thờ lửa và cũng không thờ ai ngoài một Thiên Chúa Duy Nhất mà thôi. Ngôn ngữ Ba Tư gọi vị Thiên Chúa Duy Nhất là Ahura Mazda hoặc gọi là Đấng Toàn Năng (Ormazd). Khi giáo chủ Zoroaster giảng đạo thì cả nước Ba Tư lúc đó đang theo Đa Thần Giáo (Paganism). Zoroaster giảng đạo rất hấp dẫn nên được đa số quần chúng tin theo, nhưng khi Zoroaster yêu cầu họ chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất thì nhiều người lại cảm thấy e ngại vì họ không thể bỏ các vị thần của họ được. Dần dần, các tín đồ Hỏa Giáo biến các vị thần của Đa Thần Giáo thành các thiên thần. Họ mượn tiếng Hy Lạp ANGELUS, có nghĩa là "kẻ được Thiên Chúa sai đến" (One who was sent by God) để gọi các vị thần này. Về sau, Angelus được chuyển sang Anh Ngữ thành Angels. Lâu dần, các thiên thần được hiểu là các Thiên Sứ (Messengers) được Thiên Chúa sai xuống thế gian để thực hiện một sứ mạng nào đó. Trong khi đó, các ác thần của Đa Thần Giáo đều biến thành quỉ (demons).

Người Hỏa Giáo Ba Tư biến đổi các vị thần của Đa Thần Giáo bằng cách thêm hai cánh cho các vị thần mà họ mến chuộng như Vata, Vayu, Mithra v.v... và thêm đuôi cho các thần hung ác. Những biến đổi này đều xảy ra khoảng thế kỷ 10 TCN. Đến thế kỷ 6 TCN, Hỏa Giáo biến thành quốc giáo của Ba Tư, những ý niệm về Thiên Thần và Ma quỉ đã trở thành những tín điều của tôn giáo này.

Năm 597 TCN, Ba Tư chiếm xứ Judah (tức Do Thái) và năm 539 TCN Ba Tư chiếm toàn vùng Trung Đông trong đó có Babylon, tức Iraq ngày nay.

Sau nhiều thế kỷ Ba Tư cai trị Trung Đông, trong đó có Do Thái và Babylon, Hỏa Giáo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên giáo lý của Do Thái Giáo. Sau đó, qua trung gian của Do Thái Giáo, những ảnh hưởng của Hỏa Giáo Ba Tư đã xâm nhập Ki Tô Giáo và Hồi Giáo. Ngày nay, có rất nhiều điều chúng ta tưởng như những sản phẩm tự nhiên của Ki Tô Giáo hoặc Hồi Giáo nhưng thực ra nó đã được sáng tạo bởi Hỏa Giáo từ 1000 năm TCN.

Trước đây, các sách trong Bộ Kinh Thánh Cựu Ước thường được gán cho là của Maisen (Moses) thuộc thế kỷ 13 TCN nhưng theo các học giả chuyên về Thánh Kinh thì các giảo nghiệm khoa học xác nhận hầu hết các sách đó đều được viết trong khoảng thế kỷ 6-5 TCN. Do đó, Maisen không thể là tác giả và chính nhân vật Maisen cũng không có thật. Những phép lạ của Maisen như biến cây gậy thành con rắn và hóa phép cho biển Đỏ rẽ ra để dân Do Thái đi qua an toàn v.v... chỉ là những chuyện thần thoại. Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái hoặc đã được sáng tác hoặc được viết lại dưới thời Do Thái bị Ba Tư đô hộ trong thế kỷ 6-5 TCN. Tác giả Cựu Ước đã đem vào Kinh Thánh Do Thái những điều họ hấp thụ từ Hỏa Giáo Ba Tư:

- Sách Sáng Thế Ký được viết trong thế kỷ 6 TCN kể chuyện Adam và Eve bị Thiên thần đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

- Sách Xuất Hành (Exodus 3:4) kể chuyện thiên thần của Chúa hiện ra với Maisen trong ngọn lửa.

Tất cả những sách của đạo Do Thái được viết trước thế kỷ 6 TCN đều không nói gì đến thiên thần. Điều đó chứng tỏ từ lúc nguyên thủy lập đạo, người Do Thái không có một ý niệm nào về thiên thần cả. Họ đã vay mượn ý niệm về thiên thần từ Hỏa Giáo trong thời gian Do Thái lệ thuộc Ba Tư vào các thế kỷ 6-5 TCN và sau đó đã truyền lại cho hai tôn giáo hậu sinh là Ki Tô Giáo và Hồi Giáo.

Ngoài những ý niệm về thiên thần và ma quỉ, Hỏa Giáo còn đem lại cho Do Thái Giáo nhiều tư tưởng thần học và nhiều giáo lý liên quan đến Ngày Tận Thế và cuộc sống đời sau. Quan niệm chủ yếu của Hỏa Giáo là trong vũ trụ này, mọi thứ đều có lưỡng cực. Đời sống tâm linh cũng có lưỡng cực, đó là Thiện và Ác. Con người được Thiên Chúa ban cho quyền tự do lựa chọn giữa thiện và ác nên con người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

Hỏa Giáo chủ trương không thờ ảnh tượng vì Thiên Chúa là đấng thiêng liêng vô hình. Mọi sự tạc tượng hoặc vẽ hình của Ngài được coi như một sự nhục mạ Thiên Chúa. Các đạo Do Thái, Hồi Giáo và Tin Lành đều chấp nhận quan niệm này của Hỏa Giáo. Riêng Công Giáo, Anh Giáo và Chính Thống Giáo vẫn thờ ảnh tượng mặc dầu việc này bị các tôn giáo khác lên án nghiêm khắc.

Nhiều học giả chuyên nghiên cứu tôn giáo cho rằng Zoroaster là người đầu tiên đưa ra thuyết Mạt Thế (Eschatology). Theo Zoroaster, mọi vật trong vũ trụ cuối cùng sẽ bị hủy diệt. Thế gian và loài người sẽ có ngày tận cùng gọi là Ngày Tận Thế (The Doomsday). Trong ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ xét xử công tội của tất cả mọi người, do đó ngày Tận Thế còn được gọi là Ngày Phán Xét Cuối Cùng (The Last Judgement).

Để có thể tham dự Phiên Xử Cuối Cùng của Chúa thì mọi người chết đều được sống lại. Zoroaster cho rằng khi chết thì thân xác con nguời bị phân hủy thành tro bụi nhưng linh hồn chìm đắm trong cõi vô thức như trong lúc ngủ. Đến Ngày Phán Xét Cuối Cùng, Thiên Chúa sẽ sai thiên thần thổi kèn (clarion) đánh thức linh hồn và xác kẻ chết sống lại hết. Tất cả mọi người đều tập trung ở một nơi để nghe Chúa phán xử.

Sau khi được xét xử, kẻ thiện lành được lên Thiên Đàng và kẻ ác bị đày xuống Hỏa Ngục. Chính Thuyết Mạt Thế đã đưa đến niềm tin vào Thiên Đàng và Hỏa Ngục.

Theo các giáo sư chuyên nghiên cứu Thánh Kinh James L. Lewis và Everlyn Dorothy Olivier, tác giả cuốn "Angels A to Z" thì các cách Cựu Ước của Do Thái được viết trong thế kỷ 3 TCN đã chịu ảnh hưởng sâu đậm các học thuyết của Zoroaster, nhất là Book of Daniel và Book of Enoch.

Từ thế kỷ 2 TCN xuất hiện một giáo phái mới của đạo Do Thái là giáo phái Essenes, trụ sở đặt tại Qumran ở gần Biển Chết. Tu sĩ của giáo phái này sống khổ hạnh, chuyên việc chữa bệnh miễn phí cho kẻ nghèo và đi khắp nơi trong nước Do Thái rao giảng về Ngày Tận Thế. Một tu sĩ nổi tiếng của giáo phái này là Gioan Baotixita với đặc điểm là lúc nào cũng chỉ khoác trên người một tấm da cừu. Rất nhiều người đến bờ sông Jordan để nghe Gioan thuyết giảng và được ông làm phép rửa tội tập thể, trong số đó có Jesus. Lúc đó là vào khoảng năm 24 sau Công Nguyên.

Ba năm sau, Gioan Baotixita bị vua Herod bắt giam rồi chém đầu, đệ tử của Gioan là Jesus đã thay thế sư phụ đi giảng đạo. Lúc đó vào khoảng năm 27 sau Công Nguyên. Sau đó, cũng đúng 3 năm, Jesus bị đế quốc La Mã bắt và xử tử về tội "âm mưu gây bạo loạn chống chính quyền". Thực ra Gioan Baotixita và Jesus đều không giảng thuyết điều gì khác với học thuyết của Zoroaster: Chỉ thờ một Thiên Chúa Duy Nhất. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón ngày tận thế đang đến rất gần, gần như trong tầm tay (Doomsday is at hand). Xác loài người sẽ sống lại để được xét xử trong Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Nước Trời sẽ đến với thế gian (Nước Cha Trị Đến) Những người lành được lên thiên đàng và kẻ ác phải xuống hỏa ngục...

Zoroaster đã rao giảng những điều này tại Ba Tư một ngàn năm trước khi Jesus sinh ra. Tới thế kỷ 6 TCN, đế quốc Ba Tư cai trị Do Thái và toàn vùng Trung Đông đã đem học thuyết của Zoroaster đến với quần chúng nhân dân tại các nước này. Học thuyết của Zoroaster đã hòa nhập vào đạo Do Thái và trở nên một xương một thịt với đạo này. Sáu trăm năm sau, tức đến đời Gioan Baotixita và Jesus, người Do Thái không còn biết giáo lý nào là của Do Thái và giáo lý nào là của Ba Tư nữa.

Các giáo sư James Lewis và Everlyn Oliver chuyên nghiên cứu về tôn giáo đã viết: "Ba Tư chiếm Do Thái năm 597 TCN và cai trị nước này nhiều thế kỷ.

Do hậu quả của nhiều thế kỷ, Ba Tư cai trị Trung Đông nên nguời Do Thái đã chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng tôn giáo của Zoroaster, đặc biệt là học thuyết về sự đối kháng giữa thiện và ác, về thế giới lưỡng cực trong đó có cuộc chiến đấu giữa các thiên thần và ma quỉ. (As a result of several centuries of Persian control of the Middle East, Jews were brought into contact with Zoroastrian religious ideas, particularly Zoroaster's doctrine of the struggle between good and evil, a dualistic world view that included war between good and evil angles - Angels A to Z, James Lewis & Everlyn Oliver. Visible Ink Press 1996, page 236)

Một trong những học thuyết của Zoroaster có ảnh hưởng mạnh nhất đối với Gioan Baotixita và Jesus là học thuyết về Ngày Tận Thế. Jesus cũng như Gioan luôn luôn kêu gọi mọi người chuẩn bị đón ngày tận thế sắp đến. Ngày tận thế cũng là ngày Nước Chúa Trị Đến (The Kingdom of God Comes). Những kẻ gian ác như đế quốc La Mã, bọn chính quyền bù nhìn Herod và bọn thầy tu đạo đức giả ở đền thánh Jerusalem sẽ bị Chúa trừng phạt. Cuộc sống thanh bình của toàn dân tự nhiên sẽ được thực hiện. Nhưng thực tế đã xác nhận những điều Gioan Baotixita và Jesus rao giảng về ngày tận thế đều sai. Cho nên sau khi Jesus chết, cả Jesus lẫn sư phụ đều bị gọi là "các tiên tri giả về ngày tận thế" (False apocalyptic prophets). Cả Jesus và đồng đạo Do Thái của ông ta đã vâng theo Luật Mười Điều Răn và các lời của những tiên tri thuở xưa một cách máy móc mà không hề tự hỏi tại sao. Họ đã tuân theo các lẽ đạo một cách mù quáng và máy móc vì họ không sử dụng đến tri thức của họ. Đó là nhận xét của giáo sư Humphrey Carpenter, trong tác phẩm "Jesus" (Oxford University Press, 2nd edition 1983 trang cuối cùng: Jesus and his fellow Jews obeyed the Commandments of the Law and the words of their prophets without questioning why. Their obedience was blind and mechanical, for their intellect was not involved in it).

Truyền thuyết Ba Tư kể rằng: Một hôm Zoroaster leo lên núi cao thì gặp Thiên Chúa hiện ra trong tiếng sét và tia chớp. Chúa trao cho ông một bộ sách Luật, tiếng Ba Tư gọi là Zend Avesta. Tên Zoroaster của ông là một tên ghép: Zoro có nghĩa là con (son) và aster có nghĩa là vì sao. Vậy Zoroaster có nghĩa là Con của một Vì Sao (Son of Star). Nhiều người cho rằng Cựu Ước Do Thái được viết sau thế kỷ 6 TCN đã mô phỏng truyền thuyết về Zoroaster. Chẳng hạn như Maisen leo lên núi Sinai được Chúa hiện ra trong bụi gai có lửa cháy và Chúa trao cho Maisen bộ sách luật, tiếng Do Thái gọi là Torah.

Chúng ta đã biết Hỏa Giáo là quốc giáo của Ba Tư trong 13 thế kỷ (từ TK 6 TCN - TK 7 sau Công Nguyên). Đế quốc Ba Tư thống trị Trung Đông từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 TCN. Sau đó, từ năm 224 đến 634 sau Công Nguyên, đế quốc Ba Tư mang tên Sassanians lại thống trị Trung Đông một lần nữa. Điều đó cho thấy Ba Tư đã gieo rắc học thuyết của Zoroaster cùng khắp các nước Ả Rập qua nhiều thế kỷ. Do đó, hầu như đại đa số dân Ả Rập đều tin có Thiên Chúa, thiên đàng hỏa ngục, thiên thần và nhất là tin có ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng, mọi người chết sẽ sống lại v.v...

Ảnh hưởng của Hỏa Giáo hết sức lớn lao đối với các đạo Chúa (Do Thái, Ki Tô, Hồi) vì chính nó đã tạo nên những điểm tương đồng đặc thù của các đạo này.

Vấn đề được đặt ra: Ai là người đầu tiên lập ra đạo Thiên Chúa (tức Độc Thần Giáo)?

Truyền thuyết Do Thái tin rằng Abraham là người đầu tiên lập ra đạo Thiên Chúa (chỉ thờ Một Thiên Chúa).

Người quan trọng thứ hai là Maisen (Moses) với bộ Kinh Thánh Torah (Sách Luật). Ngày nay, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ thì cả Abraham lẫn Mai-sen (Moses) đều là những nhân vật thần thoại. Vậy chỉ có Zoroaster có thể tin được là người đã sáng lập đạo Thiên Chúa từ thế kỷ 10 TCN vì ông ta là người có thật đã rao giảng tại Ba Tư về một Thiên Chúa Duy Nhất (The Only One God). Đó là yếu tố quan trọng nhất của Độc Thần Giáo (Monotheism).

Theo truyền thuyết Ba Tư thì Zoroaster bắt đầu đi giảng đạo vào năm 30 tuổi (Một ngàn năm sau, Jesus cũng bắt đầu giảng đạo ở tuổi 30). Năm 42 tuổi, Zoroaster thuyết phục Vua Ba Tư là Vishtaspa theo Hỏa Giáo. Nhờ đó, Hỏa Giáo đã được truyền bá khắp nước. Ông có vợ và nhiều con. Năm 77 tuổi, ông bị một đạo sĩ thuộc cấp giết chết.

Các đạo sĩ của Hỏa Giáo được gọi là Magus (số nhiều Magi) thường là những người trí thức, ham chuộng khoa học nhất là thiên văn học. Họ làm công việc thờ phượng nhưng không phải là những tu sĩ vì họ đều có gia đình. Họ thường lấy vợ là người có họ hàng gần.

Các tín đồ Hỏa Giáo tránh việc chôn người chết ở dưới đất hoặc thiêu xác người chết trên đống củi. Phương thức được Hỏa Giáo ưa chuộng nhất là điểu táng bằng cách đưa xác người chết lên tháp cao, gọi là "Tháp Yên Lặng" (Towers of Silence) để cho các ác điểu như quạ, diều hâu, kên kên đến rỉa thịt người chết.

Các đạo sĩ Hỏa Giáo Ba Tư nổi tiếng là những người thông thái nên người Do Thái thường gọi họ là "những người thông thái đến từ phương Đông" (the wise men from the East). Vào năm Jesus sinh ra đời có hiện tượng ba ngôi sao Mars, Saturn, Jupiter cùng nằm trên một đường thẳng với trái đất. Do đó, khi nhìn lên trời với mắt thường, người ta thấy ba sao hội tụ trở thành một ngôi sao rất lớn. Mọi người cho đó là một "sao lạ". Cũng trong lúc đó, tại Do Thái có ba đạo sĩ Hỏa Giáo Ba Tư thấy hiện tượng sao lạ đã ra những nơi trống trải để quan sát nghiên cứu.

Matthew và Luke chộp lấy chuyện này cho vào sách Tân Ước để thêm mắm thêm muối với dụng ý biến sự ra đời của Jesus thành một biến cố giáng sinh thần thánh (divine birth). Thế là hiện tuợng ba ngôi sao hội tụ trở thành "Ngôi sao dẫn đường" và ba đạo sĩ Ba Tư biến thành "Ba Vua Phương Đông" đến kính thờ lạy Chúa Hài Đồng! Ngày nay, trong các hang đá Noel không bao giờ thiếu hình ảnh của "Ba Vua Phương Đông". Sự thật đó chỉ là ba đạo sĩ Hỏa Giáo Ba Tư lo việc nghiên cứu thiên văn nhằm vào lúc Jesus ra đời mà thôi.

Hỏa Giáo Ba Tư có những nghi lễ đơn giản và ít có những điều huyền hoặc nhảm nhí so với những nghi lễ của Công Giáo La Mã vì họ không có những cái gọi là "phép bí tích". Trước hết, Hỏa Giáo cũng như Do Thái Giáo và Hồi Giáo hoặc Tin Lành không thờ ảnh tượng nên đền thờ của họ gần như trống trơn. Chỉ có một bàn thờ duy nhất, trên đó có hai cái khay. Một cái khay có chân cao để bày 4 thứ:

- Trái cây tượng trưng cho các loài thảo mộc.

- Rượu nho tượng trưng cho con người.

- Sữa (loài vật) tượng trưng cho mọi loài vật.

- Nước tượng trưng cho các đại dương.

Một cái khay có chân thấp dùng để đốt một bó củi nhỏ và ít gỗ trầm hương. Đối với Hỏa Giáo, ngọn lửa tượng trưng cho Thiên Chúa, nguồn gốc của Sự Sống và Sự Sáng.

Vào cuối thế kỷ 7, Hồi Giáo Ả Rập chiếm Ba Tư và mọi người dân xứ này bị buộc phải bỏ đạo Hỏa Giáo để theo Hồi Giáo. Nhiều tín đồ Hỏa Giáo phải giữ đạo trong bí mật. Đến thế kỷ 9 và 10, chính quyền Hồi Giáo truy nã gắt gao những người Hỏa Giáo còn sót lại khiến cho các tín đồ Hỏa Giáo trung kiên phải bỏ chạy ra nước ngoài. Nhiều người thuộc giáo phái Manichaeanism của Hỏa Giáo trốn sang Trung Quốc và gây nhiều ảnh hưởng quan trọng tại nước này. Từ thế kỷ 9 người Trung Quốc đã biết đến tôn giáo của Ba Tư và gọi tôn giáo này là Hỏa Giáo hoặc Thánh Hỏa Giáo. Một số người Ba Tư thuộc giáo phái Mithraism trốn sang Âu Châu, còn lại số đông chạy sang Ấn Độ.

Mặc dầu bị Hồi Giáo đàn áp qua nhiều thế kỷ, hiện nay tại Ba Tư (tức Iran) vẫn còn khoảng 200.000 tín đồ Hỏa Giáo. Con cháu của những người Ba Tư tỵ nạn tôn giáo cách đây hơn một ngàn năm vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ khoảng 150.000 người. Người Ấn Độ gọi họ là người Parsi do đọc trại tên nước Persia (Ba Tư) mà ra.

Hỏa Giáo Ba Tư coi như đã bị xóa tên khỏi danh sách các tôn giáo trên thế giới hiện nay nhưng rất nhiều giáo lý quan trọng của Hỏa Giáo Ba Tư như: chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, tin có Thiên Thần và Ma Quỉ, Thiên Đàng và Hỏa Ngục, Ngày tận thế, mọi người chết sẽ sống lại để hiện diện trong ngày Phán Xét Cuối Cùng... Tất cả đều đã hòa nhập vào cốt tủy của đạo Do Thái. Rồi từ đạo Do Thái, các đạo hậu sinh như Ki Tô Giáo (Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống) và Hồi Giáo đã sao chép lại những giáo lý đó mà họ tưởng là của các tiên tri Do Thái, nhưng họ không hề biết rằng tác giả của những giáo lý đó là một người Ba Tư tên là Zoroaster. Các tiên tri Do Thái chỉ là những đứa học trò đã học những bài học giáo lý của Zoroaster trong những thế kỷ Do Thái bị Ba Tư đô hộ, từ thế kỷ 6 đến 4 trước Công Nguyên. Những giáo lý của Hỏa Giáo Ba Tư đã tạo nên những yếu tố đồng nhất tiêu biểu cho tất cả các đạo thờ Chúa hiện nay. Nói cách khác, Hỏa Giáo Ba Tư vẫn hiện diện và mãi mãi tồn tại trong linh hồn của các đạo thờ Chúa.