Khởi nghĩa Thiên sư đạo

Trương Lỗ

edit

Trương Lỗ cai trị khu vực Ba ThụcHán Trung gần 30 năm với một chính quyền hợp nhất tôn giáo với chính trị. Đến năm Kiến An 20 (tức năm 215), tháng 3, Tào Tháo đánh Hán Trung. Đến tháng 11, Trương Lỗ thua, phải dắt gia quyến và thuộc hạ về Nghiệp Thành quy hàng Tào. Tào Tháo dùng lễ trọng đãi Trương Lỗ để lợi dụng thế lực và ảnh hưởng của Trương Lỗ. Tào Tháo phong Trương Lỗ làm Trấn Nam Tướng Quân, tước Lương Trung Hầu. Năm người con của Trương Lỗ cũng được phong tước hầu. Tào Tháo và Trương Lỗ còn kết thông gia với nhau. Chính quyền của Trương Lỗ tại Ba Thục và Hán Trung bị diệt. Tuy nhiên Ngũ Đấu Mễ Đạo vẫn phát triển, dù tổ chức bị hỗn loạn, nhất là sau khi Trương Lỗ bệnh và mất. Tín đồ mạnh ai nấy truyền đạo, không theo phép tắc gì cả. Nhiều tế tửu lợi dụng tôn giáo để làm việc bất chính, hoang dâm.

Trần Thụy khởi nghĩa

edit

Đầu đời Tây Tấn, một người quê ở quận Kiên Vi (nay thuộc Tứ Xuyên), tên là Trần Thụy nổi lên truyền đạo tại Ba Thục. Xưa kia Trần Thụy cũng theo Ngũ Đấu Mễ Đạo, nay tự xưng là Thiên Sư, mô phỏng và cải biên giáo quy. Khu vực truyền đạo cũng gọi là trị (hay đạo trị), người nhập môn phải nộp lễ vật gồm một đấu rượu và một con cá tươi. Các tín đồ nào mà trong nhà có việc tang chế hay thai sản thì trong vòng 100 ngày đều không được phép lui tới đạo trị. Trần Thụy cũng lập ra các chức tế tửu. Tế tửu nào có cha, mẹ, hay vợ qua đời thì không được mang khăn tang. Tế tửu cũng không được phép thăm viếng người bệnh hay người mới sinh con. Tín đồ theo Trần Thụy đông tới mấy ngàn người. Thanh thế càng ngày càng lớn. Năm Hàm Ninh thứ 3 (tức 277), quan trấn nhậm Ích Châu là thứ sử Vương Tuấn quy Trần Thụy vào tội bất hiếu và đem quân đánh dẹp, giết Trần Thụy và nhiều tế tửu cốt cán, đốt cháy các cơ sở truyền đạo (tức đạo trị). Quan thái thú Ba Thục vì là tín đồ của Trần Thụy nên bị bãi chức.

Lý Đặc và Lý Hùng khởi nghĩa & chính quyền Thành Hán

edit

Không lâu sau khi Trần Thụy bị giết, vào các năm Vĩnh Ninh và Thái An (301-303) đời vua Tấn Huệ Đế, tại Tứ Xuyên nổi lên cuộc khởi nghĩa của các lưu dân ở Quan Lũng và tín đồ Ngũ Đấu Mễ Đạo (vốn là dân tộc thiểu số Tung) do Lý ĐặcLý Hùng lãnh đạo. Lý Đặc là dân thiểu số Tung, theo Ngũ Đấu Mễ Đạo. Năm Vĩnh Ninh (301) Lý Đặc khởi nghĩa. Tháng Giêng năm Thái An (303) Lý Đặc kéo binh tấn công Thành Đô. Tháng 2, Lý Đặc tử trận, nghĩa binh chết thê thảm. Con của Lý Đặc là Lý Hùng dẫn tàn binh rút lui. Sau cùng, một nhánh quân khởi nghĩa do Phạm Trường Sinh (của Ngũ Đấu Mễ Đạo) chỉ huy đã trợ giúp lương thảo cho quân của Lý Hùng. Cùng năm này, họ lại tấn công Thành Đô, và lần này thành công. Lý Hùng năm Vĩnh Hưng nguyên niên (năm 304) xưng là Thành Đô Vương, tôn Phạm Trường Sinh làm vua, nhưng Phạm từ chối. Thế là tháng 6 năm Vĩnh Hưng thứ 2 (tức 305 CN) Lý Hùng xưng hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Thành. Ngay khi Phạm Trường Sinh từ chối làm vua, Lý Hùng phong Phạm Trường Sinh làm Thừa tướng, rồi ban hiệu là Thiên Địa Thái Sư, và phong làm Tây Sơn Hầu. Phạm Trường Sinh mất, con là Phạm Bí được kế vị thừa tướng. Lý Hùng cai trị 30 năm, chính sách khoan dung; cả thế cục đại loạn mà vùng Ba Thục vẫn bình yên vô sự. Truyền ngôi đến đời thứ 3 là Lý Thọ thì đổi quốc hiệu là Hán, do đó sử sách gọi chính quyền Lý Hùng là Thành Hán. Chính quyền Thành Hán kéo dài 47 năm, trải 6 đời; đến năm Vĩnh Hòa thứ 3 đời Đông Tấn (năm 347) thì bị Hoàn Ôn diệt.

Tôn Ân khởi nghĩa

edit

Ban đầu Ngũ Đấu Mễ Đạo gồm các tín đồ dân dã, nhưng khi giáo phái phát triển, thu hút rất nhiều hào tộc, thế gia, thậm chí quan lại, thí dụ họ Vương và họ Tôn ở Lang Nha, họ Tạ và họ Ân ở quận Trần, họ Khổng ở Cối Kê, họ Chu ở Nghĩa Hưng, họ Hứa họ Đào và họ Cát ở Đan Dương... Trong khoảng đời Tấn, các sử gia gọi Ngũ Đấu Mễ Đạo là Thiên Sư Đạo. Tuy nhiên có sử gia cho rằng Ngũ Đấu Mễ Đạo là tên gọi dân dã, còn chính nội bộ tín đồ thì tự xưng giáo phái mình là Thiên Sư Đạo hoặc Chính Nhất Đạo.

Trong giới tín đồ gốc sĩ tộc thế gia có Đỗ Tử Cung là đầu lĩnh ở Tiền Đường. Ông có nhiều đệ tử, xuất thân là thế gia đại tộc ở Giang Nam. Đỗ Tử Cung mất, môn đồ là Tôn TháiTôn Ân kế nghiệp. Tôn Ân vừa là cháu vừa là đệ tử của Tôn Thái. Tôn Thái tự xưng được chân truyền pháp thuật từ Tử Cung, nên tín đồ mê muội coi như thần nhân. Hiếu Vũ Đế (tại vị 373-396) đời Đông Tấn phong Tôn Thái làm Phụ Quốc Tướng Quân và phong làm thái thú ở Tân An. Tôn Thái lợi dụng tà thuật mê hoặc và quy tụ quần chúng, triều đình sợ Tôn Thái làm loạn nên sai Cối Kê Vương là Tư Mã Đạo Tử bắt Tôn Thái giết đi. Tôn Ân và dư đảng chạy trốn ra hải đảo, lập chí báo thù cho sư phụ. Rồi Tôn Ân cùng với em rể là Lư Tuần lãnh đạo khoảng 10 vạn tín đồ của 8 quận đánh Cối Kê (8 quận là: Cối Kê, Ngô Quận, Ngô Hưng, Nghĩa Hưng, Lâm Hải, Vĩnh Gia, Đông Dương, và Tân An). Chiếm được Cối Kê, Tôn Ân tự xưng là Chinh Đông Tướng Quân và gọi quân binh của mình là «trường sinh nhân». Triều đình phái quân chinh phạt. Năm Nguyên Hưng nguyên niên (năm 402), thuộc hạ Lưu Lao của Tôn Ân bại trận, bèn nhảy xuống biển tự trầm. Tôn Ân thua trận ở Lâm Hải cũng nhảy xuống biển tự trầm. Cho rằng Tôn Ân đã thành "thủy tiên", số tín đồ tự trầm theo hơn trăm người. Lư Tuần kế vị, chiến đấu ngoan cường. Năm Nghĩa Hi thứ 7 (năm 411) đời vua An Đế của Đông Tấn, Lư Tuần đánh Quảng Châu, nhưng bị đại bại, bèn chạy sang Giao Châu. Thứ sử Giao ChâuĐỗ Huệ Độ cùng các quan văn võ đánh tan quân Lư Tuần. Quân của Lư Tuần còn khoảng 2000 người. Dư đảng của Lý Tốn là Lý Thoát, thái thú Cửu Chân, nổi loạn, kết tập 5000 dân địa phương để giúp Lư Tuần đánh ở bến sông phía Nam thành Long Biên (tức Hà Nội của Việt Nam ngày nay). Binh của Đỗ Huệ Độ phóng đuốc trĩ vĩ (trĩ vĩ cự 雉尾炬) đốt chiến thuyền Lư Tuần. Lư Tuần nhảy sông tự trầm. Đỗ Huệ Độ cho vớt tử thi Lư Tuần và chặt đầu, gởi về Kiến Khang.

Tôn Ân và tín đồ Ngũ Đấu Mễ Đạo vốn tin tưởng vào Tam Quan (Thiên, Địa, Thủy), đặc biệt tin tưởng vào sự thành thủy tiên; cho nên khi khởi nghĩa thất bại họ đều nhảy xuống sông xuống biển. Người đời gọi là "tự trầm" (nhảy xuống nước tự tử) nhưng tín đồ gọi là "thủy giải" (giải thoát trong nước) hy vọng đó là cách giải thoát thành tiên.