Kinh thánh Koran

Kinh thánh Koran edit

Đối với đại khối các dân tộc Ả Rập, nguyên bản bằng Ngôn ngữ Arabic của Kinh Koran là một kiệt tác phẩm thi văn. Kinh Koran không hẳn là một cuốn thơ trường thiên nhưng là một tác phẩm văn xuôi có vần có điệu (poetic rhymed prose) rất thích hợp với khẩu vị văn chương của những người du mục ở nơi hoang dã. Chính vì vậy mà kinh Koran đã mau chóng được truyền bá qua truyền khẩu rộng khắp bán đảo Ả Rập (lớn gấp 8 lần Việt Nam).

Về phương diện tâm linh, kinh Koran là sự nối kết những dòng tư tưởng về một tôn giáo độc thần khởi đầu từ Tổ phụ Abraham, qua Môsê (Moses) qua Jesus đến thiên sứ cuối cùng là Muhammad. Từ 2000 năm trước Công Nguyên, những người Ả Rập đã biết đến Thiên Chúa của Abraham mà họ gọi là Allah. Điều đó có nghĩa là họ đã thờ Allah từ 27 thế kỷ trước khi có Muhammad và đạo Hồi.

Qua nhiều thế kỷ tiếp xúc với văn hóa Do Thái, người Ả Rập đã rất quen thuộc với các nhân vật của kinh Thánh Cựu Ước. Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, người Ả Rập tiếp xúc với những người Ki Tô Giáo thuộc Đế quốc Byzantine rộng lớn và từ những nước lân bang như Syria, Ai Cập và Ethiopia... Mặc dù rất ít người Ả Rập lúc đó theo Ki Tô Giáo nhưng cũng không cảm thấy xa lạ với Jesus và Gioan Baotixita.

Đọc kinh Koran, chúng ta sẽ thấy những nhân vật quan trọng của hai đạo Do Thái và Ki Tô được Muhammad thường xuyên nhắc tới. Kinh Koran là một tổng hợp những kiến thức tôn giáo đã tiềm tàng sẵn trong đại khối các dân tộc Ả Rập. Sự tổng hợp đó được gọi là Islam có nghĩa là sự tuân phục tuyệt đối vào Thiên Chúa. (Islam means the absolute submission to God). Người Trung Quốc phiên âm "Islam" thành "Hui" (Hồi) và gọi đạo này là "Hui-jao" tức Hồi Giáo. Kinh Koran trở thành Thánh Kinh (The Holy Book) hoặc sách Mặc Khải (Book of Revelation) của Hồi Giáo.

Đáng lẽ ra đạo Do Thái, đạo Ki Tô và đạo Hồi đều cùng thờ chung một Chúa thì phải có chung một Kinh Thánh duy nhất mới phải. Trong thực tế, mỗi đạo đều có Thánh Kinh riêng và đạo nào cũng tự cho Thánh Kinh của mình mới là chân lý tuyệt đối. Cả 3 đạo đều tự cho Thánh Kinh của mình là những Sách Mặc Khải.

  • Kinh Torah (Cựu Ước) được Thiên Chúa mặc khải cho Thánh Moses khoảng năm 1250 TCN trên núi Sinai.
  • Kinh Koran là sách Thiên Chúa mặc khải cho tiên tri Muhammad qua trung gian của thiên thần Gabriel trong 22 năm liên tục (610-632).
  • Các sách Tân Ước/Phúc Âm là các sách Thiên Chúa mặc khải cho Thánh Phao Lô và bốn vị Thánh Sử: Matthew, Mark, Luke và John trong thế kỷ 1.


Trước khi có kinh Koran, người Ả Rập có mặc cảm là một chủng tộc thiếu văn hóa và họ tỏ ra trọng nể người Do Thái và Ki Tô. Cho nên, trong ngôn ngữ Ả Rập có danh từ "Dhimmi" để gọi chung cho Do Thái và Ki Tô. Danh từ này có nghĩa là "những người có sách Thánh Kinh" (People of the Books).

Sự xuất hiện kinh Koran vào đầu thế kỷ 7 đã đem lại cho các dân tộc Ả Rập một niềm tự hào vì từ nay họ có Thánh Kinh viết bằng tiếng Ả Rập. Họ đón nhận đạo Hồi là đạo của dân tộc chứ không phải là đạo ngoại lai. Kinh Koran và đạo Hồi là hai yếu tố quan trọng đem lại sự hứng khởi tinh thần và là chất keo văn hóa nối kết các bộ lạc Ả Rập lại với nhau và biến đại khối Ả Rập thành một lực lượng chính trị và quân sự hùng mạnh trong nhiều thế kỷ.

Công việc biên soạn Kinh Koran. edit

Khác với Cựu Ước được viết theo lối văn lịch sử kinh Koran được viết theo lối văn kể chuyện thông thường (oral recitation). Tổng cộng có 114 chương (suras/chapters) gồm 6616 câu thơ (verses).

Sự phân phối các câu thơ trong các chương không đều nhau. Chương dài nhất có 287 câu thơ, chương ngắn nhất chỉ có 3 câu mà thôi. Mỗi câu thơ cũng dài ngắn bất thường: Câu thơ dài nhất chiếm tới nửa trang sách, câu ngắn nhất chỉ có 2 chữ! Phần lớn kinh Koran (85 chương) được Muhammad viết tại Mecca, còn lại 29 chương viết tại Medina. Muhammad viết Koran trên lá cọ khô và trên những tấm da súc vật phơi khô.

Sau khi Muhammad chết vào năm 632, phần lớn các bản chép tay nói trên bị thất lạc hoặc phân tán rải rác nhiều nơi. Mọi người cảm thấy nguy cơ có thể làm cho cuốn Thánh Kinh của họ bị tiêu vong nếu không gấp rút sưu tầm và thu hồi các nguyên bản của Muhammad. Sau đó, cần phải có người tài giỏi biên tập tất cả các nguyên bản thành một cuốn Thánh Kinh duy nhất.

Để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ Hồi Giáo, người có thẩm quyền đầu tiên đứng ra lo việc này là Abu Bakr (632-634). Ông vừa là cha vợ vừa là người đầu tiên kế vị Muhammad (the first caliph) và cũng là vị vua Hồi Giáo đầu tiên thống nhất bán đảo Ả Rập để biến nơi này thành điểm xuất phát bành trướng Hồi Giáo ra khắp thế giới. Abu Bakr giao cho một thanh niên 22 tuổi tên Zayd đi sưu tầm và gom góp các thủ bản của kinh Koran do Muhammad viết tập trung tại Medina.

Công việc đang được tiến hành tốt đẹp thì Abu Bakr qua đời. Các tài liệu do Zayd thu thập đều được chuyển giao cho vị vua Hồi Giáo kế nhiệm là Umar Khattab. Vị vua này là một nhà quân sự đại tài, chỉ trong 10 năm (634-644) đã mở rộng lãnh thổ của Hồi Giáo ra toàn vùng Trung Đông và Bắc Phi. Vì quá mải mê lo việc quân sự nên vị vua này đã bỏ quên công việc biên tập kinh Koran. Hậu quả nghiêm trọng là ở những địa phương khác nhau người ta truyền miệng những câu thơ của Kinh Koran khác nhau và sự tranh cãi về tính trung thực của kinh Koran càng ngày càng trở nên gay gắt và hổn loạn. Các cuộc tranh cãi này đã dẫn đến cuộc "thánh chiến" giữa hai phe Hồi Giáo tại Nehavand, gây cảnh thịt rơi máu đổ trong 7 năm (650-657).

Vị vua kế nghiệp thứ ba (the third caliph) là Uthman (644-657) chú tâm đến việc phục hồi kinh Koran. Năm 652, Uthman giao cho Zayd và 3 người phụ tá nhiệm vụ biên tập các bản thảo của Muhammad thu hồi được thành một cuốn sách duy nhất. Sau 5 năm, nhóm biên tập của Zayd hoàn thành nhiệm vụ. Năm 657, tức 25 năm sau khi Muhammad qua đời, vua Uthman công bố bản kinh Koran do Zayd biên tập và gọi nó là "MUSHAF" có nghĩa là "Kinh Thánh chính thức của mọi người Hồi Giáo" (The Official Codex for all Muslims).

Ban biên tập của Zayd chép cuốn Kinh Thánh này thành 4 bản giống nhau để lưu trữ tại 4 thành phố: Medina, Basra và Kufa (Iraq) và tại Damacus (Syria).

Sau đó, Uthman ra lệnh tiêu hủy toàn bộ các bản viết tay của Muhammad trên lá cọ và da thú vật. Công việc này tương tự như hành động của Hoàng Đế La Mã Constantine ra lệnh thiêu hủy toàn bộ các sách thánh kinh và các di tích thật của Jesus sau Công Đồng Nicaea năm 325.

Do sự thiêu hủy các bản viết tay của Muhammad theo lệnh của vua Uthman đã không được thi hành triệt để nên ngày nay người ta đã thu thập được 5 bản chính viết trên da súc vật:

  • 2 bản hiện lưu trữ tại thư viện Taskhent ở Uzebekistan.
  • 1 bản lưu trữ tại thư viện Tpokabi Thổ Nhĩ Kỳ.
  • 1 bản tại bảo tàng viện London.
  • 1 bản mới tìm thấy tại Yemen năm 1979.

So sánh các bản chính nói trên với Kinh Koran do Uthman công bố năm 657, người ta đã phát giác có nhiều sự khác biệt. Các học giả nghiên cứu về Hồi Giáo xác nhận: Việc Uthman ra lệnh tiêu hủy các bản viết tay của Muhammad là một tổn thất hết sức nặng nề cho Hồi Giáo. Năm bản viết tay trên da súc vật mà ngành khảo cổ đã thu thập được cũng đủ xác minh một sự thật đáng buồn: Zayd và ban biên tập của ông ta có thể đã không thu thập đầy đủ các thủ bản của Muhammad, khi chép lại có thể đã bỏ sót một số câu thơ của kinh Koran và cuối cùng không có gì bảo đảm là Zayd và ban biên tập đã không tự ý sửa đổi Kinh Koran theo ý riêng của mình.

Tuy nhiên, hầu hết các tín đồ Hồi Giáo hiện nay đã không nêu lên những vấn đề nói trên. Họ vẫn tin rằng bản kinh Koran bằng tiếng Arabic do vua Uthman công bố năm 657 là kinh Koran do Thiên Chúa Allah mặc khải cho Muhammad.

Sơ lược nội dung Kinh Koran edit

Những chương đầu tiên của Kinh Koran nói về Thiên Chúa Allah với những đặc tính siêu việt của Ngài. Vì đạo Hồi là đạo Thiên Chúa thứ ba, xuất hiện sau đạo Do Thái và đạo Ki Tô nên đạo Hồi đã in đậm những dấu ấn đức tin của hai đạo Thiên Chúa đàn anh. Ngoài Thiên Chúa ra, Kinh Koran dạy phải tin có các thiên thần và ma quỉ (Satan), tin các sách Mặc Khải của đạo Do Thái và Ki Tô cùng các vị thiên sứ, tin có ngày tận thế và ngày phán xét cuối cùng, tin mọi kẻ chết đều được sống lại, tin có Thiên Đàng Hỏa Ngục, tin mọi việc do Thiên Chúa Allah tiền định nhưng mọi người có ý chí tự do.

Khác với Cựu Ước và Tân Ước chỉ đề cập đến vấn đề thiêng liêng hoặc lịch sử, Kinh Koran đồng thời cũng là một bộ luật đầu tiên và cao nhất của Hồi Giáo. Thí dụ:

  • Cấm cho vay nặng lãi (Koran 2:275)
  • Cấm ăn thịt heo, thịt đã cúng các thần khác, cấm ăn máu (tiết canh, huyết) Koran 5:3.
  • Cấm cờ bạc, Koran 5:90
  • Cấm săn bắn trong thời gian hành hương Mecca (Koran 5:93).
  • Phải ăn chay trong tháng Ramadan (Koran 2:182).
  • Phải rửa chân tay sạch sẽ trước khi cầu nguyện (Koran 5:6).
  • Cấm giao hợp với đàn bà có tháng (Koran 2:221).

Trước khi có kinh Koran, phụ nữ Ả Rập giàu có thường lấy nhiều chồng và đa số là những người đàn ông trẻ khỏe. Kinh Koran khẳng định quyền ưu thắng của đàn ông (Koran 4:34) và chính thức bãi bỏ tục đa phu (polyandre). Bất cứ người đàn bà nào có chồng bị cáo buộc về tội ngoại tình đều bị đem ra cho công chúng ném đá đến chết (Koran 4:15). Kinh Koran qui định án phạt hết sức nặng nề chống lại bất cứ ai bị kết án: "Chống Thiên Chúa Allah" hoặc "chống Thiên Sứ Muhammad". Người đó sẽ bị đóng đinh vào thập giá hoặc bị chặt hết chân tay (Sura 5). Tội trộm cũng có thể bị phạt rất nặng. Dù đàn ông hay đàn bà tùy theo nặng nhẹ nếu bị kết án về tội trộm sẽ bị chặt một tay hay hai tay (Koran 5: 3)


Những điều nên biết về HADITH, SUNNA và SHARIA edit

Vì lý do kinh Koran không phải là sách dễ đọc nên trong các xứ Hồi Giáo, các tín đồ đọc kinh Koran đều cần có người hướng dẫn. Những người hướng dẫn không phải là tu sĩ nhưng là những người học thức chuyên nghiên cứu về kinh Koran. Những bài giảng của họ được gọi là HADITH, có nghĩa là một bài phúc trình (report). Qua nhiều thế kỷ, số bài phúc trình giảng giải về Kinh Koran đạt tới con số rất lớn. Các học sĩ Hồi Giáo chọn lựa các bài hay tập trung lại thành một cuốn sách gọi là SUNNA, có nghĩa là "Tuyển tập các phúc trình" (Collection of Reports). Từ đó, sách SUNNA trở thành một cuốn sách bổ túc cho kinh Koran về mặt tín lý, giáo điều.

Các chính quyền của các nước Hồi Giáo chiếu theo tinh thần và luật pháp nêu trong kinh Koran và sách SUNNA để làm ra bộ luật gọi là SHARIA. Danh từ này được dịch sang Anh Ngữ là "Islamic Holly Law" có nghĩa là "Thánh Luật Hồi Giáo".

Tất cả các sách Sunna và Sharia đã được hoàn thành vào cuối thế kỷ 9 và đã được viết thành nhiều bản khác nhau tại nhiều nơi khác nhau. Do vậy, các sách này chứa đựng nhiều điều mâu thuẫn, nhất là những giai thoại khác biệt nhau về cuộc đời và lời nói của giáo chủ Muhammad. Đây là một trong những nguyên nhân chính yếu gây ra tệ nạn phân hóa trong đạo Hồi: Giáo phái Sunni chỉ công nhận những Hadiths (reports) của Bukkhari. Giáo phái Shiite công nhận Hadiths của Kulayni và giáo phái Khariji chỉ công nhận Ibn Habib. Giáo phái này kết án giáo phái kia là xuyên tạc hoặc giả mạo Thánh Kinh Koran và gọi nhau là những kẻ tà đạo (mukhtalaq)! Kết quả là những cuộc thánh chiến đẫm máu giữa các giáo phái này trong nhiều thế kỷ qua.