Lịch sử 7/Trung Quốc thời phong kiến
Sự hình thành xã hội phong kiến ở Trung Quốc
editỞ phía bắc Trung Quốc có một vùng đồng bằng hết sức rộng lớn, phì nhiêu. Đó là vùng đồng bằng Hoa Bắc do phù sa sông Hoàng Hà tạo nên. Ở đây, người Trung Quốc đã xây dựng nhà nước đầu tiên của mình từ 2000 năm trước Công nguyên (TCN), rồi mở rộng dần xuống phía nam. Trải qua các triều đại Hạ, Thương, Chu, người Trung Quốc đã xây dựng nên một nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ.
Đến thời Xuân Thu – Chiến Quốc, nhờ sự xuất hiện của công cụ bằng sắt, diện tích gieo trồng được mở rộng, năng suất lao động tăng, làm cho xã hội Trung Quốc có nhiều thay đổi sâu sắc. Một số quan lại và nông dân giàu chiếm nhiều ruộng đất, lại có quyền lực, trở thành giai cấp địa chủ. Ngược lại, nhiều nông dân bị mất ruộng, trở nên nghèo túng, phải nhận ruộng của địa chủ để cày cấy, gọi là nông dân lĩnh canh hay những tá điền. Khi nhận ruộng, nông dân phải nộp một phần hoa lợi cho địa chủ, gọi là địa tô. Như vậy, xã hội phong kiến Trung Quốc đã được hình thành dần dần từ thế kỉ III TCN (thời Tần) và được xác lập vào thời Hán.
Xã hội Trung Quốc thời Tần – Hán
editThời Tần, chế độ phong kiến ở Trung Quốc đã được hình thành, Tần Thuỷ Hoàng đã thi hành một loạt chính sách như chia đất nước thành các quận, huyện và trực tiếp cử quan lại đến cai trị, ban hành một chế độ đo lường và tiền tệ thống nhất cho cả nước, gây chiến tranh, mở rộng lãnh thổ về phía bắc và phía nam,...
Các vua thời nhà Hán đã xoá bỏ chế độ pháp luật hà khắc của nhà Tần, giảm nhẹ tô thuế và sưu dịch cho nông dân, khuyến khích họ nhận ruộng cày cấy và khẩn hoang, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhờ thế, kinh tế phát triển, trật tự xã hội ổn định, thế nước đã vững vàng. Nhà Hán còn tiến hành nhiều cuộc chiến tranh, xâm lấn bán đảo Triều Tiên, thôn tính các nước phương Nam.
Sự thịnh vượng của Trung Quốc dưới thời Đường
editThời Đường, bộ máy nhà nước được củng cố và hoàn thiện. Các hoàng đế nhà Đường cử người thân tín đi cai quản các địa phương, đồng thời mở nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Nhà nước cũng thi hành nhiều biện pháp giảm tô thuế, lấy ruộng công và ruộng bỏ hoang chia cho nông dân, được gọi là chế độ quân điền. Nhờ thế mà nông dân có ruộng cày cấy, sản xuất nông nghiệp được phát triển. Xã hội thời Đường đã đạt đến sự phồn thịnh.
Sau khi ổn định ở trong nước, nhà Đường đem quân lấn chiếm vùng Nội Mông, chinh phục Tây Vực, xâm lược Triều Tiên, củng cố’ chế độ đô hộ ở An Nam, ép Tây Tạng phải thần phục, làm cho lãnh thổ của Trung Quốc được mở rộng hơn bao giờ hết. Dưới thời Đường, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia phong kiến cường thịnh nhất châu Á.
Trung Quốc thời Tống – Nguyên
editSau thời Đường, Trung Quốc lại lâm vào tình trạng chia cắt trong hơn nửa thế kỉ. Dưới thời Tống, Trung Quốc lại được thống nhất nhưng không còn phát triển mạnh mẽ như trước nữa. Giữa lúc đó, vua Mông cổ là Hốt Tất Liệt đem quân tiêu diệt nhà Tống, lập nên nhà Nguyên ở Trung Quốc.
Để ổn định đời sống nhân dân, các vua nhà Tống đã thi hành nhiều chính sách nhằm xoá bỏ (hoặc miễn giảm) các thứ thuế và sưu dịch nặng nề của thời trước, mở mang các công trình thuỷ lợi ở miền Giang Nam, khuyến khích phát triển một số ngành thủ công nghiệp như khai mỏ, luyện kim, dệt tơ lụa, rèn đúc vũ khí,... Đến thời Tống, người Trung Quốc đã có nhiều phát minh quan trọng như la bàn, thuốc súng, nghề in,...
Dưới thời Nguyên, các vua chúa người Mông cổ lại thi hành nhiều biện pháp phân biệt đối xử giữa các dân tộc: người Mông cổ có địa vị cao nhất, hưởng mọi đặc quyền còn người Hán thì ở địa vị thấp kém và bị cấm đoán đủ thứ như cấm mang vũ khí, cấm luyện tập võ nghệ, thậm chí cấm không được ra đường và họp chợ ban đêm,... Vì vậy, nhân dân Trung Quốc đã nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa, chống lại ách thống trị của nhà Nguyên.
Trung Quốc trong thời Minh – Thanh
editNhà Nguyên tồn tại đến năm 1368 thì bị lật đổ. Chu Nguyên Chương, một thủ lĩnh của phong trào nông dân, đã lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Minh. Nhưng rồi, đến lượt mình, nhà Minh lại bị lật đổ bởi cuộc khởi nghĩa của nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo. Nghĩa quân của Lý Tự Thành vừa vào Bắc Kinh, còn chưa kịp ăn mừng chiến thắng đã phải rút khỏi thành. Nhân cơ hội đó, quân Mãn Thanh từ phương Bắc tràn xuống, chiếm toàn bộ Trung Quốc và lập ra nhà Thanh.
Đồng thời, theo đà phát triển của công thương nghiệp, mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng dần xuất hiện. Nhiều xưởng dệt lớn, chuyên môn hoá cao, thuê nhiều nhân công như ở Tô Châu, Tùng Giang, xưởng làm đồ sứ ở cảnh Đức,... Quảng Châu là thương cảng lớn nhất, từ đây các thương nhân Trung Quốc ra nước ngoài buôn bán với nhiều nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập.
Văn hoá, khoa học – kĩ thuật Trung Quốc thời phong kiến
editTrong suốt hàng nghìn năm lịch sử, văn hoá Trung Quốc đã đạt được những thành tựu rực rỡ và có ảnh hưởng sâu rộng tới các nước láng giềng.
Ngoài các thành tựu nói trên, nền nghệ thuật lâu đời của Trung Quốc với trình độ cao, phong cách độc đáo, thể hiện trong hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, thủ công mĩ nghệ,... cũng rất nổi tiếng. Những cung điện cổ kính, những bức tượng Phật sinh động, những sản phẩm thủ công tinh xảo,... còn được lưu giữ ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc ngày nay đã chứng tỏ bàn tay tài hoa và trí sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân Trung Quốc.
Tham khảo
edit- SGK Lịch sử 7, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019.