Nổi dậy của nước Tần
Nước Tần phần lớn nằm ở châu thổ sông Vị, nơi người Khuyển Nhung đã huỷ diệt nền văn minh Chu và buộc Chu Bình Vương phải dời đô vào năm 770 TCN. Tần là một trong 17 nước nhỏ tạo thành nền văn minh Chu, và bị các nước khác coi là ở phía dưới, bán khai, bởi vì nó thu hút nhiều người Khuyển Nhung. Tần còn giữ được tinh thần thượng võ và tính mạnh mẽ của những người chăn thả du mục, và Tần là cầu nối thương mại giữa nền văn minh Chu và các vùng đất du mục ở Trung Á, một nền thương mại sẽ góp phần vào sự giàu mạnh của Tần.
Trong thời Chiến Quốc, Thương Ưởng, một người ủng hộ trường phái Pháp gia, trở thành thừa tướng của nước Tần. Với tư cách thừa tướng, Thương Ưởng đã bắt đầu tổ chức nhà nước Tần theo các nguyên lý của Pháp gia. Ông thuyết phục vua Tần áp dụng luật pháp cho mọi người dân. Với việc này, ông ủng hộ việc sử dụng người có thực tài hơn là áp dụng cha truyền con nối. Ông thưởng cho những người can đảm ngoài mặt trận. Ông không khinh thường thương nghiệp của Khổng giáo mà khuyến khích thương mại và lao động. Ông khuyến khích chế tạo vải vóc để trao đổi với các nước khác. Ông đe doạ bắt làm nô lệ bất kỳ một người nào đủ sức khoẻ mà không chịu làm việc. Và ông khuyến khích nhập cư: ông mời những người tài năng và học thức từ nước khác đến Tần, ông trao cho những người nông dân tới từ nước khác một mảnh đất hoang, hứa miễn đi lính cho họ.
Rất nhiều người từ nước khác đến Tần, làm tăng sức dân của Tần và sản xuất lương thực và làm quân đội của nó mạnh mẽ thêm. Quy mô của quân đội đã trở nên lớn hơn – quân đội không còn là những đội quân trong tay tầng lớp quý tộc nữa. Với việc những người dân thường đổ xô vào quân đội Tần, Tần vương đã có thể giảm bớt quyền lực của giới quý tộc và địa chủ. Trong một chiến dịch mang tính cách mạng, vua Tần chia các lãnh địa bên trong của mình thành các quận huyện được quản lý bởi các quan chức được chỉ định hơn là bởi tầng lớp quý tộc – trong khi việc phân chia quyền lực của giới quý tộc ở các nước khác dưới thời nhà Chu chỉ được tiến hành một cách tuần tự.
Đáng chú ý, trường phái Pháp gia của nhà Tần khuyến khích cách đánh trận thực tế và tàn nhẫn. Một ví dụ điển hình là khi Tấn Tương công đánh nhau với nước Sở trong thời Chiến Quốc, ông từ chối một cơ hội để tấn công địch khi họ đang băng qua sông. Sau khi quân Sở băng qua sông và dàn trận, Tấn Tuơng công bị đánh bại. Sau đó, khi các quân sư của ông trách ông vì sự lịch sự quá mức với kẻ thù, ông vặn lại, "Hiền nhân không đè bẹp kẻ yếu đuối, cũng không ra lệnh tấn công cho đến khi kẻ thù hình thành hàng ngũ của họ".
Nhà Tần không coi trọng điều này, tận dụng điểm yếu của đối phương để giành thắng lợi. Một nhà quý tộc ở nước Ngụy đã chỉ trích nước Tần là "tham lam, ngoan cố, hám lợi, không hề chân thành. Nước Tần không biết gì về các quy tắc, cách hành xử trong các mối quan hệ, đạo đức, và nếu thấy có lợi, họ sẽ từ bỏ những mối quan hệ thân thiết của họ như những con thú".
Khi Tần Hiếu công chết, Thương Ưởng bị bỏ lại mà không có sự bảo vệ nào ở triều đình. Những kẻ thù ghen tức và đói quyền lực trong triều đình hành quyết Thương Ưởng, nhưng sự giàu mạnh và sức mạnh của Tần vẫn còn đó. Các vị vua đời sau của Tần nhận ra những lợi ích mà biến pháp của Thương Ưởng đem lại. Do đó vị vua kế nghiệp Tần Hiếu công là Tần Huệ Văn công vẫn duy trì biến pháp và chỉ giết Thương Ưởng để xoa dịu giới quý tộc. Quân Tần bắt đầu giành thắng lợi trong những trận đánh lớn. Năm 311 TCN, Tần mở rộng về phía nam chống lại những kẻ du mục, và ở đó họ lập ra thành phố Thành Đô. Năm 256 TCN, và Tần mở rộng tới lãnh thổ vốn thuộc nhà Chu - một vùng xung quanh Lạc Dương gồm khoảng 30.000 người và 36 làng. Một hoàng tử nhà Chu phản công, gắng sức chiếm lấy ngôi nhà Chu cho mình. Quân đội Tần đánh bại ông ta, và nhà Chu chấm dứt.