Nhà Ngô
Nhà Ngô (chữ Hán:吳朝; Ngô triều) là một triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, truyền được hai đời nhưng có tới ba vị vua, kéo dài từ năm 939 đến năm 965. Khoảng thời gian xen giữa từ 944 đến 950 còn có Dương Bình Vương tức Dương Tam Kha. Khác với các triều đại quân chủ Việt Nam sau này, các vua nhà Ngô vẫn xưng tước vương mà chưa xưng đế hiệu trên phạm vi toàn lãnh thổ do họ cai trị.
Bối cảnh
editSau khi tiêu diệt nhà Tùy, nhà Đường tiếp tục sửa sang chế độ hành chính và sự phân chia châu quận, tiếp tục cai trị An Nam. Cho đến giữa thế kỷ IX, nhà Đường có biến loạn; một hào trưởng người Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ, năm 905 nổi lên. Khúc Thừa Dụ đánh đuổi quan lại và binh lính nhà Đường, chiếm giữ phủ thành, xưng Tiết độ sứ, năm 906, nhà Đường phải công nhận. Năm sau, nhà Đường mất.
Trong lúc họ Khúc đang tìm cách xây dựng chính quyền tự chủ ở An Nam, ở miền Nam Trung Quốc, Tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Nham đã cát cứ, dựng nước Nam Hán, ở phía Bắc là nhà Lương. Năm 917, Khúc Thừa Mỹ kế nghiệp Khúc Hạo, sai sứ sang nhà Lương xin quy phục, hành động này làm Nam Hán nổi giận. Vua Nam Hán là Lưu Cung sai Lý Khắc Chính đem quân sang, bắt được Khúc Thừa Mỹ, Nam Hán chiếm giữ An Nam.
Năm 931, Dương Đình Nghệ phát binh từ Ái Châu ra bắc đánh bại quân Nam Hán, xưng là Tiết độ sứ. 7 năm sau, năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết, cướp quyền, thần phục Nam Hán. Được tin Kiều Công Tiễn phản nghịch và thấy việc quy phục nước Nam Hán là nguy hại cho cuộc tự chủ mà họ Khúc và họ Dương đã xây dựng nền móng, Ngô Quyền, là nha tướng và con rể của Dương Đình Nghệ, lúc ấy đang cai quản Ái Châu, phát binh tiêu diệt Kiều Công Tiễn.
Triều vua Ngô Quyền
editNăm 938, Ngô Quyền tập hợp lực lượng từ Ái Châu ra đánh Kiều Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang nước Nam Hán xin quân cứu viện. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm cho con là Vạn vương Hoằng Tháo đem quân sang cứu, tự mình đóng quân làm thanh viện. Ngô Quyền hạ thành Đại La, giết Công Tiễn rồi bày trận trên sông Bạch Đằng đón quân Nam Hán.
Tháng 11 năm 938, quân Hoằng Tháo bị Ngô Quyền đánh tan trong trận Bạch Đằng. Hoằng Tháo bị giết chết. Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi, tức là Tiền Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập Dương thị làm vương hậu; đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục.
Các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục,... đều không chép rõ việc trị nước của Ngô Quyền.
Tranh chấp trong cung đình
editNăm 944, Tiền Ngô Vương mất, sai Dương Tam Kha giúp lập thái tử. Dương Tam Kha là anh (có sách nói là em) Dương Thái hậu cướp ngôi, tự xưng Dương Bình Vương.
Con trưởng Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy trốn về Nam Sách (Hải Dương). Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền, làm con nuôi. Dương Tam Kha 3 lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không bắt được vì hào trưởng Nam Sách là Phạm Lệnh Công che chở cho Xương Ngập.
Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Thái Bình. Ngô Xương Văn thuyết phục được 2 tướng Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha giành lại ngôi vua. Xương Văn không giết Dương Tam Kha mà giáng xuống làm Chương Dương công.
Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập đang trốn ở Nam Sách trở về.
Ngô Xương Ngập cũng làm vua, tự xưng là Thiên Sách Vương (951–954). Lúc đó cùng tồn tại hai vua là Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Lên ngôi vương, Ngô Xương Ngập lấn át quyền hành của Ngô Xương Văn khiến Xương Văn bất bình rút lui việc chính sự
Nhưng chỉ được 3 năm, đến năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh chết, chỉ còn một mình Nam Tấn vương Ngô Xương Văn làm vua.
Loạn lạc
editNăm 951, Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư – con Thứ sử châu Hoan đã mất là Đinh Công Trứ – dựa vào vùng núi khe hiểm yếu, không chịu tuân lệnh triều đình. Hai vua Ngô muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Đinh Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Hai vua Ngô vương trách Bộ Lĩnh không tự mình đến chầu, rồi bắt giữ Đinh Liễn đem theo quân đi đánh Hoa Lư.
Quân Ngô tấn công hơn một tháng, không đánh nổi. Hai vua Ngô bèn treo Đinh Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Nhưng Bộ Lĩnh vẫn không thần phục, lại sai hơn 10 tay nỏ nhắm con mình mà bắn . Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn kinh sợ nói rằng:
- "Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì."
Vì vậy hai anh em vua Ngô không giết Đinh Liễn mà đem quân về.
Sau khi Thiên Sách vương mất, thủ lĩnh ở quận Thao Giang là Chu Thái quật cường không thần phục nhà Ngô. Nam Tấn vương thân chinh đi đánh, chém được Chu Thái. Từ trận thắng ấy, Nam Tấn vương sinh kiêu. Năm 965, ông đi đánh thôn Đường và thôn Nguyễn ở Thái Bình, bị phục binh bắn nỏ chết.
Ngô Xương Văn chết, con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối nghiệp, nhưng thế lực ngày càng yếu kém. Theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, trong triều đình Cổ Loa, các đại thần họ Kiều, họ Dương làm loạn (có sách lại nói các đại thần làm loạn là Lã Xử Bình và Kiều Tri Hựu). Xương Xí phải lui về giữ đất Bình Kiều (có sách nói Bình Kiều ở Hưng Yên, lại có thuyết cho rằng ở Thanh Hóa .
Từ năm 966, hình thành 12 sứ quân cát cứ, sử sách gọi là loạn 12 sứ quân, trong đó có người trong hoàng tộc nhà Ngô (Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh), các tướng nhà Ngô (Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn) và số lớn là các thủ lĩnh địa phương tự nổi dậy (Kiều Thuận, Trần Lãm, Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu, Lý Khuê, Lã Đường). Thời kỳ này kéo dài đến năm 968 thì bị Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong và lập ra nhà Đinh.
Hành chính
editTemplate:Chính Thời Ngô, lãnh thổ chỉ còn 8 châu (so với 12 châu thời Tự chủ) là:
|
|
|
|
Bốn châu: Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An thuộc về Nam Hán. Việc thu hẹp lãnh thổ phía bắc này không được sử sách ghi chép rõ. Theo ý kiến của Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời thì 4 châu này bị Nam Hán chiếm, nhưng không rõ vào thời điểm nào: khi Kiều Công Tiễn cầu viện đã để quân Hán tiến vào (937) và Ngô Quyền chưa kịp tập hợp lực lượng tiến ra Đại La (938) hay sau thời điểm trận Đại La, trước trận Bạch Đằng... (cuối năm 938). Theo Nguyễn Khắc Thuần trong Thế thứ các triều vua Việt Nam, Ngô Quyền bàn giao 4 châu này cho Nam Hán "để tiện việc phòng thủ", thì việc này có thể xảy ra sau trận Bạch Đằng hoặc Nam Hán đã chiếm được trước đó mà Ngô Quyền chỉ làm việc công nhận vùng bị mất này thuộc về Nam Hán.
Ngoại giao
editNgô Quyền tự xưng là Ngô vương, sử sách không xác nhận việc ông quan hệ ngoại giao với các vương triều nào trong số các nước ở phương Bắc thời kỳ Ngũ đại Thập quốc.
Năm 954, Ngô Xương Văn sai sứ sang giao hảo với Nam Hán và xin tiết việt. Vua Nam Hán là Lưu Thịnh nhận giao hảo của Xương Văn. Sau đó Lưu Thịnh âm mưu cho Lý Dư làm sứ cầm cờ "tinh" sang chiêu dụ nhận Tĩnh Hải quân là phiên thần và phong chức Tiết độ sứ cho hắn để cai quản Đô hộ cho Ngô Xương Văn.
Được tin Lý Dư sắp vào, Ngô Xương Văn cho ngay người đi sang biên giới ngăn lại. Hai bên gặp nhau ở Bạch châu. Sứ của Xương Văn nói với Lý Dư rằng:
- Giặc biển đương làm loạn, đường sá đi lại rất khó.
Lý Dư bèn quay về nước. Đó là lần ngoại giao duy nhất giữa nhà Ngô và Nam Hán trong 21 năm tồn tại.