Plato
Plato là một trong số những học trò của Socrates.[20] Vì Socrates không để lại một áng văn nào, Plato đã viết sách để giữ gìn những điều mà ông học được từ thầy của mình. dù ngày nay chúng ta khó lòng tách bạch đâu là tư tưởng của Socrates và đâu là của chính Plato.[20] Plato nổi tiếng nhất với quan điểm về một thế giới Ý niệm (en. Idea) hay thế giới Mô thức (en. Form) tách biệt hoàn toàn với thế giới vật chất mà chúng ta đang sống.[21] Ông nói, mọi điều chúng ta đang trải nghiệm chẳng qua chỉ là những bản sao không hoàn hảo của những Mô thức hay những Ý niệm[20]; chẳng hạn, nước trong ao hồ, nước ở biển và nước ở trong chai đều là những "hình ảnh" của một Ý niệm "Nước" duy nhất.[22] Với Plato, thế giới của Ý niệm này mới là thế giới tồn tại thực, còn hiện thực mà ta trải nghiệm chỉ là chiếc bóng hắt lên của nó mà thôi.[23]
Không chỉ đưa ra những ý tưởng về Siêu hình học, Plato cũng viết về và đặt nên những nền tảng về công lý và đạo đức, ở cả cấp độ cá nhân và thành bang.[24] Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình: "Cộng hòa", Plato lập luận rằng: chỉ những triết gia hoặc những người tin tưởng vào công việc của một triết gia mới nên đảm nhiệm vai trò của một người cai trị vì họ có thể hiểu chính xác bản chất của thế giới và chân lý của những giá trị đạo đức.[25] Qua thời gian, "Cộng hòa" trở thành một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử triết học và triết học chính trị.[26][27]