Sinh học 12/Quần xã sinh vật và một số đặc trưng cơ bản của quần xã


Khái niệm quần xã sinh vật edit

  • Quan sát trên một vùng, chúng ta thấy có nhiều quần thể thuộc các loài sinh vật khác nhau cùng sống chung với nhau, không có loài sinh vật nào sống biệt lập với các loài khác. Các quần thể tác động qua lại với nhau tạo thành một tổ chức sống tương đối ổn định là quần xã sinh vật.
  • Quần xã sinh vật là một tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian và thời gian nhất định. Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó với nhau như một thể thống nhất và do vậy quần xã có cấu trúc tương đối ổn định.

Một số đặc trưng cơ bản của quần xã edit

Đặc trưng về thành phần loài trong quần xã edit

Thành phần loài được thể hiện qua số lượng các loài trong quần xã, số lượng cá thể của mỗi loài; loài ưu thế và loài đặc trưng.

– Số lượng loài và số lượng cá thể của mỗi loài: Số lượng các loài trong quần xã và số lượng cá thể của mỗi loài là mức độ đa dạng của quần xã, biểu thị sự biến động, ổn định hay suy thoái của quần xã. Một quần xã ổn định thường có số lượng loài lớn và số lượng cá thể của loài cao.

– Loài ưu thế và loài đặc trưng:

Loài ưu thể là những loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, hoặc do hoạt động của chúng mạnh. Trong các quẩn xã trên cạn, loài thực vật có hạt thường là loài ưu thế vì chúng ảnh hưởng rất lớn tới khí hậu của môi trường.

Loài đặc trưng là loài chỉ có ở một quần xã nào đó (ví dụ, cá cóc là loài đặc trưng, có ở rừng nhiệt đới Tam Đảo), hoặc là loài có số lượng nhiều hơn hẳn các loài khác và có vai trò quan trọng trong quần xã so với các loài khác (ví dụ, cây cọ có rất nhiều ở vùng đồi Phú Thọ, cây tràm là loài đặc trưng của quần xã rừng U Minh).

Đặc trưng về phân bố cá thể trong không gian của quần xã edit

Phân bố cá thể trong không gian của quân xã tuỳ thuộc vào nhu cầu sống của từng loài. Nhìn chung, sự phân bố cá thể trong tự nhiên có xu hướng làm giảm bớt mức độ cạnh tranh giữa các loài và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn sống của môi trường

– Phân bố theo chiều thẳng đứng như sự phân thành nhiều thích nghi với các điều kiện chiếu sáng khác nhau trong rừng mưa nhiệt đới (hình 40.2). Sự phân tầng của thực vật kéo theo sự phân tầng của các loài động vật sống trong rừng: nhiều loài chim, côn trùng sống trên tán các cây cao ; khỉ, vượn, sóc,... sống leo trèo trên cành cây, trong khi đó có nhiều loài động vật sống trên mặt đất và trong các tầng đất.

– Phân bố theo chiều ngang trên mặt đất như sự phân bố của sinh vật từ đình núi, sườn núi tới chân núi ; hoặc sinh vật phân bố từ vùng đất ven bờ biển tới vùng ngập nước ven bờ và vùng khơi xa,... Nhìn chung, sinh vật phân bố theo chiều ngang thường tập trung nhiều ở vùng có điều kiện sống thuận lợi như vùng đất màu mỡ, có độ ẩm thích hợp, thức ăn dồi dào,...

Quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật edit

Các mối quan hệ sinh thái edit

  • Trong quá trình tìm kiếm thức ăn, nơi ở, các loài trong quần xã gắn bó chặt chẽ với nhau bằng các mối quan hệ hoặc hỗ trợ hoặc đối kháng nhau (bảng 40).
  • Quan hệ hỗ trợ bao gồm quan hệ cộng sinh, hội sinh và hợp tác. Trong quan hệ hỗ trợ, các loài hoặc đều có lợi hoặc ít nhất không bị hại.
  • Quan hệ đối kháng bao gồm quan hệ cạnh tranh, kí sinh, ức chế – cảm nhiễm và quan hệ sinh vật này ăn sinh vật khác. Trong quan hệ đối kháng, loài được lợi sẽ thắng thế và phát triển, loài bị hại sẽ bị suy thoái. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cả hai loài ít nhiều đều bị hại.

Hiện tượng khống chế sinh học edit

  • Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở một mức nhất định, không tăng cao quá hoặc giảm thấp quá do tác động của các mối quan hệ hoặc hỗ trợ hoặc đối kháng giữa các loài trong quần xã.
  • Trong nông nghiệp, ứng dụng khống chế sinh học là sử dụng thiên địch để phòng trừ các sinh vật gây hại hay dịch bệnh thay cho việc sử dụng thuốc trừ sâu. Ví dụ, sử dụng ong kí sinh diệt loài bọ dừa, sử dụng rệp xám để hạn chế số lượng cây xương rồng bà.

Tham khảo edit

  • SGK Sinh học 12, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 175 – 179.