Sinh học 7/Trùng kiết lị và trùng sốt rét

Trong khoảng 40 nghìn động vật nguyên sinh đã biết, thì khoảng một phần năm sống kí sinh gây nhiều bệnh nguy hiểm cho động vật và người.

Ở nước ta (Việt Nam), hai đối tượng gây bệnh nguy hiểm ở người là trùng kiết lị và trùng sốt rét.

Trùng kiết lị

edit

– Trùng kiết lị giống trùng biến hình, chỉ khác là chân giả rất ngắn.

– Cách lây nhiễm: Bào xác trùng kiết lị theo thức ăn, nước uống vào ống tiêu hóa người. Đến ruột, trùng kiết lị chui ra khỏi bào xác, gây các vết loét ở niêm mạc ruột rồi nuốt hồng cầu ở đó để tiêu hóa chúng và sinh sản rất nhanh. Bệnh nhân đau bụng, đi ngoài, phân có lẫn máu và chất nhầy như nước mũi. Đó là triệu chứng bệnh kiết lị.

Nơi sống và cấu tạo

edit

– Trùng kiết lị ở ngoài môi trường kết bào xác, khi vào ruột người chúng chui ra khỏi bào xác và sống kí sinh ở thành ruột.

– Cơ thể giống trùng biến hình, chỉ khác có chân giả rất ngắn.

Dinh dưỡng

edit

Chúng kí sinh ở thành ruột nuốt hồng cầu gây nguy hiểm cho con người.

Biện pháp phòng chống

edit

– Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

– Ăn chín, uống sôi

– Giữ gìn vệ sinh môi trường

– Diệt ruồi, muỗi…

– Khi mắc bệnh phải chữa trị kịp thời

Trùng sốt rét

edit

Cấu tạo và dinh dưỡng

edit

– Trùng sốt rét thích nghi sống ở trong máu người, trong tuyến nước bọt và thành ruột của muỗi A-nô-phen.

– Chúng có kích thước nhỏ, không có bộ phận di chuyển và các không bào, hoạt động dinh dưỡng đều thực hiện qua màng tế bào.

Vòng đời

edit

– Trùng sốt rét kí sinh ở 2 vật chủ trong vòng đời: một là muỗi A-nô-phen, hai là động vật có xương sống (ở đây chúng ta xét đến trùng sốt rét kí sinh ở người).

Muỗi A-nô-phen là trung gian truyền sốt rét cho người.

– Trùng sốt rét do muỗi A-nô-phen truyền vào máu người. Chúng chui vào hồng cầu để kí sinh và sinh sản cùng lúc cho nhiều trùng sốt rét mới. Sau đó chúng phá vỡ hồng cầu để chui ra và lại chui vào nhiều hồng cầu khác, tiếp tục chu kì hủy hoại hồng cầu (cứ sau 48 giờ một lần với trùng sốt rét thường gặp, gây ra sốt rét cách nhật).

So sánh trùng kiết lị và trùng sốt rét

edit
Các đặc điểm so sánh Kích thước (so với hồng cầu) Con đường truyền dịch bệnh Nơi kí sinh Tác hại Tên bệnh
Trùng kiết lị To hơn (nuốt hồng cầu) Qua đường tiêu hóa Thành ruột người Gây viêm loét ruột và phá hủy hồng cầu Bệnh kiết lị
Trùng sốt rét Nhỏ hơn (chui vào hồng cầu) Qua máu Ruột và tuyến nước bọt của muỗi A-nô-phen, máu người Phá hủy hồng cầu Bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét ở nước ta

edit

Trước Cách mạng Tháng Tám, bệnh sốt rét rất trầm trọng ở nước ta. Nhờ kế hoạch xóa bỏ bệnh sốt rét do Viện Sốt rét Côn trùng và Kí sinh trùng chủ trì, căn bệnh nguy hiểm này đã bị đẩy lùi dần, dù thỉnh thoảng bệnh vẫn còn bột phát ở một số vùng.

Biện pháp phòng chống bệnh sốt rét

edit

Trùng sốt rét lan truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi A-nô-phen, nên phòng chống bệnh sốt rét rất khó khăn và lâu dài, nhất là ở miền núi. Nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho muỗi A-nô-phen phát triển mang trùng sốt rét như có nhiều vùng lầy, cây cối rậm rạp và người dân chưa có hiểu biết đầy đủ về bệnh sốt rét.

Các biện pháp có thể đưa ra để phòng chống là:

– Mắc màn (mùng) khi đi ngủ

– Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp đồ dùng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ...

– Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tham khảo

edit
  • SGK Sinh học 7, NXB Giáo dục, 2019