Tây Tấn (266-316)

edit

Thống nhất Trung Hoa

edit

Nhà Tây Tấn (西晉) bắt đầu hình thành quyền lực từ Tư Mã Ý, đại thần nhà Ngụy thời Tam Quốc. Sau khi Ngụy Minh đế Tào Tuấn qua đời năm 239, vua nhỏ Tào Phương không có thực quyền, cha con Tư Mã Ý trở thành quyền thần.

Năm 251, Tư Mã Ý chết, hai con Tư Mã SưTư Mã Chiêu thay nhau nắm quyền. Ngay năm sau, Tư Mã Sư phế Vua Ngụy Tào Phương, lập Tào Mao. Sư qua đời, Tư Mã Chiêu một mình nắm quyền. Năm 260, Tào Mao muốn trừ khử Chiêu, bị Chiêu ra tay giết và lập Tào Hoán lên thay, tức Ngụy Nguyên đế.

Sẵn có tiềm lực cả về kinh tế, dân số, về mặt quân sự, họ Tư Mã nắm quyền nước Ngụy là mạnh nhất trong số ba nước. Nước ThụcNgô có dân cư thưa thớt hơn và ít của cải hơn, do đó dần dần bị nước Ngụy lấn át.

 
Bản đồ Trung Quốc thời Tây Tấn

Sau nhiều năm vừa trấn áp sự chống đối của những người trung thành với nhà Ngụy để củng cố quyền lực, vừa chống trả thành công những cuộc xâm lấn của Ngô và Thục, họ Tư Mã quyết định đánh Thục khi nước này đã suy yếu và nội bộ mất đoàn kết.

Năm 263, Ngụy đánh Thục và nhanh chóng tiêu diệt chiếm Thục (đầu năm 264), vua Thục là Lưu Thiện đầu hàng.

Năm 264, Tư Mã Chiêu qua đời. Con cả Chiêu là Tư Mã Viêm lên thay. Tào Hoán thiện nhượng cho Tư Mã Viêm vào ngày Nhâm Tuất (13) tháng 12 năm Ất Dậu (tức 4 tháng 2 năm 266 theo dương lịch), Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế vào ngày Bính Dần (17) cùng tháng (tức 8 tháng 2), lập ra nhà Tấn, tức là Tấn Vũ đế (266-290). Tư Mã Ý được truy tôn làm Tuyên đế, Tư Mã Sư làm Cảnh đế, Tư Mã Chiêu làm Văn đế.

Năm 280, Tấn Vũ đế chinh phục nốt nước Ngô, bắt Vua Ngô là Tôn Hạo. Trung Quốc lại được thống nhất, và Tấn Vũ đế mở rộng quyền lực của mình về phía bắc đến trung tâm Triều Tiên và phía nam đến hết Giao Châu (Việt Nam).

Cai trị quốc gia

edit

Dân số

edit
 
Bình từ thời Tây Tấn với hình ảnh Phật giáo

Trước sự hùng mạnh của Tây Tấn, những sự cướp phá chống Trung Quốc của Hung Nô và những bộ tộc khác tạm dừng trong một thời gian. Và chính sách định cư các bộ tộc bên trong Trung Quốc đã có kết quả. Triển vọng về một nền hòa bình, thống nhất và thịnh vượng bắt đầu.

Để khắc phục tình trạng hao hụt dân số do chiến tranh thời Tam Quốc, ngay từ khi lên ngôi, Tấn Vũ Đế đề ra chính sách khuyến khích phát triển dân số:

  • Con gái đến 17 tuổi chưa gả chồng thì quan sẽ thay cha mẹ gả cho
  • Nhà có năm con gái được miễn dịch để khuyến khích việc nuôi con gái và trừ bỏ thói xấu từ thời Chiến Quốc là sinh con gái thường ít nuôi

Năm 280, tính cả những dân lưu vong trở về, trên toàn lãnh thổ do nhà Tấn cai trị có 2.450.000 hộ, 16.163.863 nhân khẩu

Phân phong chư hầu

edit

Để nhanh chóng dẹp các cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số, nhà Tấn chia nhỏ các châu, quận vùng biên cương, giao cho các hoàng thân đi trấn giữ. Từ tổng số 12 châu thời nhà Hán tăng lên thành 19 châu trong toàn quốc

  • U Châu chia làm 2: U Châu và Bình Châu
  • Ung Châu chia làm 2: Ung Châu và Tần Châu
  • Ích Châu chia làm 3: Lương Châu, Ích Châu và Ninh Châu.

Tấn Vũ Đế không thay đổi nhiều chính sách của nhà Ngụy. Nhưng với chế độ phân phong thì khi thi hành chính sách mới, nhà Tấn cho rằng sở dĩ Tào Ngụy mất vì trung ương lẻ loi không có vây cánh, vì thế Vũ Đế chủ trương mở rộng các phiên vương trong hoàng tộc:

  • Nước phong có 2 vạn hộ là nước lớn, quân sĩ 5.000 người;
  • Có 1 vạn hộ là nước vừa, quân sĩ 3.000 người
  • Nước có 5.000 hộ là nước nhỏ, quân sĩ có 500 người.

Do việc tăng binh lực cho các chư hầu nên người được phong dễ gây ra nội chiến và đây chính là một sai lầm cực đoan

Vũ Đế tìm cách quay lại thời kỳ vĩ đại của triều Hán, khi hòa bình và thịnh vượng có ở khắp đất nước và nhà Hán có được quyền lực trung ương mạnh. Tấn Vũ Đế đặt ra các cải cách nhằm mục đích kiềm chế quyền lực địa phương - quyền lực của các gia đình lớn. Nhưng những cải cách đó không thành công. Ông chết năm 290 khi thế lực của các chư hầu, lãnh chúa lớn ở Trung Quốc càng thêm lớn mạnh trong khi người kế vị không đủ năng lực nên nhà Tấn nhanh chóng bị suy yếu.

Vấn đề người ngoại tộc

edit

Từ thời nhà Hán sang thời Tam Quốc, những người thiểu số như người Hung Nô, người Khương, người Tiên Ty v.v... đã xâm nhập vào trung nguyên và ở lẫn với người Hán. Trong thời Tào Ngụy, ý tưởng đề phòng sự nổi dậy của những tộc người này đã được Đặng Ngải nêu ra và Tư Mã Sư tán đồng, nhưng chưa thực hiện.

Tấn Vũ Đế đã tiến hành các chiến dịch quân sự chống người Tiên Ty và người Khương ở Tần Châu, Lương Châu (Cam Túc), trước khi tiêu diệt Đông Ngô. Kế hoạch quân sự này được các tướng Dương Hộ, Vương Tuấn và Tể tướng Trương Hoa ủng hộ.

Năm 271, thế lực của tộc Tiên Ty ở Lũng Hữu nhanh chóng lớn mạnh, tháng 6, Thụ Cơ Năng, thủ lĩnh bộ Thốc Phát giết chết Thứ sử Tần Châu Hồ Liệt. Tấn Vũ Đế phái Tư Khang Hiệu úy Thạch Giám làm An Tây Tướng quân, Đô đốc Lũng Hữu, Đỗ Dự làm An Tây quân sự đem quân đàn áp người Tiên Ty, đến năm sau tình hình Lũng Hữu mới yên ổn. Tuy nhiên ở phía bắc, Hữu hiền vương Nam Hung Nô là Lưu Mãnh lại dấy binh chống lại nhà Tấn ở Tinh Châu (Sơn Tây), sau cũng bị trấn áp.

Khi Tấn Vũ Đế diệt Ngô, Quách Khâm cũng đề cập nguy cơ này và khuyên Vũ Đế điều lưu dân ngoại tộc trở về bản quán để tách họ với người Hán; đồng thời điều quân vừa thắng Ngô lên biên cương đề phòng, từng bước đẩy người thiểu số ra khỏi biên cương. Tuy nhiên, Tấn Vũ Đế đã không tiếp thu ý kiến này. Các nhà nghiên cứu hiện nay xem quyết định của Vũ Đế ít nhiều mang tính đạo lý để tránh xáo trộn xã hội . Nhưng sau khi Vũ Đế qua đời, trào lưu bài trừ lưu dân trong triều Tây Tấn tiếp tục dấy lên, tiêu biểu là bài "Đồ Nhung luận" (Thuyết đuổi người Nhung) của Thái tử tẩy mã Giang Thống, cho rằng các tộc người không phải cùng tộc với người Hán thì lòng dạ họ tất khác nhằm di dời người thiểu số ra khỏi lãnh thổ đề nghị cho dời khỏi Quan Trung nhưng Triều đình không chấp nhận. Tuy nhiên những năm sau đó, việc Triều đình Tây Tấn theo đuổi chính sách này ngay trong "Loạn bát vương" đã dẫn đến các cuộc nổi dậy của lưu dân, trong đó hậu quả tai hại nhất là của Lý Đặc và Vương Nhung, góp phần càng làm suy yếu nhà Tấn. Triều đình Tây Tấn sau thời Vũ Đế đã không biết áp dụng hòa hợp dân tộc, dùng chính sách thù địch với người thiểu số nên mới dẫn đến loạn lạc

Bát vương chi loạn

edit

Cùng với cái chết của Vũ Đế, Triều đình Tây Tấn lập tức xuống dốc. Một số đại thần từng khuyên Vũ Đế bỏ Thái tử Tư Mã Trung lập người khác nhưng Vũ Đế không nghe vì nể thông gia nhà đại thần Giả Sung. Tư Mã Trung lấy con Giả Sung là Giả Nam Phong, được lên kế vị, tức Tấn Huệ Đế, một hoàng đế đần độn. Sử chép lại một số câu chuyện về hoàng đế ngây ngô này. Khi nghe ếch kêu, Huệ Đế hỏi thị thần:

Ếch nó kêu vì việc công hay vì việc tư đấy?

Lúc nghe tin dân bị đói, đến gạo cũng không còn để ăn, Huệ Đế lại buột miệng hỏi:

Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?

Quyền hành rơi vào tay Hoàng hậu Giả Nam Phong. Bà vốn đa nghi nên hay bắt đầu bắt giữ và hành quyết bất kỳ ai mà bà cho là một mối đe dọa cho vị trí của mình, kể cả những kẻ đối lập trong Hoàng gia. Trong vòng xoáy quyền lực đó, Giả Hậu muốn tận dụng các thân vương trừ khử lẫn nhau để loại bớt người không ăn cánh nhưng rồi chính bà bị các hoàng thần trừ khử. Cuộc xung đột nổ ra giữa các hoàng thân nhà Tấn, sử gọi là Loạn bát vương (Bát vương chi loạn)

 
Người cưỡi ngựa thời Tấn trên mặt bình

Những cuộc thanh trừng, bắt bớ tại Kinh đô xảy ra liên tục. Bên ngoài, các thân vương thi nhau dựng cờ "cần vương" nhưng thực chất để khuếch trương thế lực. Nhiều vương công và hàng vạn người bị giết. Hoàng hậu họ Giả không thể giết tất cả những kẻ đối nghịch với mình. Năm 300, một hoàng thân là Triệu Vương Tư Mã Luân đã làm đảo chính, giết Giả Hậu và nhiều người khác, đồng thời ép vị vua nhu nhược phải nhường ngôi. Đến lượt các vương hầu khác khởi binh chống lại Tư Mã Luân và giết ông chỉ sau 3 tháng. Vị vua nhu nhược Tư Mã Trung lại được lập làm Hoàng đế lần thứ hai. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các vương hầu không hề kết thúc. Số lượng người chết vì cuộc chiến rất lớn. Thêm vào đó, hạn hán và nạn đói liên tiếp xảy ra. Chính phủ Trung ương suy yếu và hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của các lãnh chúa địa phương. Chu kỳ bước qua giai đoạn thống nhất giờ lại bước vào giai đoạn tan rã.

Tám vị vương là tôn thất nhà Tấn gây ra bạo loạn gồm có:

  1. Sở Vương Tư Mã Vĩ (con thứ năm của Tấn Vũ Đế).
  2. Nhữ Nam Vương Tư Mã Lượng (con thứ tư của Tư Mã Ý, vào hàng chú của Tấn Vũ Đế, ông Tấn Huệ Đế).
  3. Triệu Vương Tư Mã Luân (con thứ 9 của Tư Mã Ý, em Tư Mã Lượng): là người tham vọng nhất, từng phế Huệ Đế Tư Mã Trung để làm vua, nhưng bị các vương khác xúm lại đánh, buộc phải tự vẫn năm 301.
  4. Tề Vương Tư Mã Quýnh (con Tư Mã Du - em Tấn Vũ Đế. Du từng được Tư Mã Chiêu cho làm con nuôi Tư Mã Sư).
  5. Thường Sơn Vương (sau là Trường Sa Vương) Tư Mã Nghệ (cháu thứ sáu của Tấn Vũ Đế).
  6. Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh (con thứ 16 của Tấn Vũ Đế).
  7. Hà Gian Vương Tư Mã Ngung (cháu Tư Mã Phu - em Tư Mã Ý).
  8. Đông Hải Vương Tư Mã Việt (cháu Tư Mã Ý).

Diệt vong

edit

Người Tung, người Hung Nô nổi dậy

edit

Loạn tám vương làm nhà Tây Tấn suy yếu trầm trọng. Khoảng 20 - 30 vạn người bị chết . Hàng loạt tôn thất có thế lực và tài năng bị giết, khiến Hoàng tộc khủng hoảng nhân sự không có người phò trợ. Chiến tranh xảy ra khiến nhiều vùng bị tàn phá. Các bộ tộc ngoại vi thừa cơ xâm nhập và làm loạn Trung Hoa.

Tại vùng Quan Trung có lưu dân tộc người Tung, vì mất mùa mấy năm, kéo hàng chục vạn người vào quận Thục kiếm ăn. Nhà Tấn sai La Thượng vào Thục, ép lưu dân người Tung rời khỏi Ích Châu vào tháng 7 năm 302. Thủ lĩnh người Tung là Lý Đặc xin được gặt mùa xong, tới mùa đông sẽ đi. La Thượng không bằng lòng, mang quân đến đánh đuổi Lý Đặc. Người Tung bèn theo Lý Đặc và cháu là Lý Hùng nổi dậy làm phản, cát cứ Tây Xuyên mà nhà Tấn không còn khả năng quản lý. Sau khi Lý Đặc tử trận, Lý Hùng lập ra nước Thành Hán (303). Từ đó nhà Tây Tấn mất hẳn đất Thục.

Trong Loạn bát vương, do khủng hoảng nhân sự, các vương nhà Tấn phải dùng tới các tướng sĩ người "Hồ" và họ nhân đó phát triển thế lực. Một bộ tướng của Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh (tham chiến bát vương) là Lưu Uyên đã lớn mạnh trong lúc các sứ quân họ Tư Mã giết hại lẫn nhau. Khi Loạn bát vương chấm dứt, Tư Mã Dĩnh đã bị giết; trong 8 vương chỉ còn lại Đông Hải Vương Tư Mã Việt nắm quyền trong triều.

Lưu Uyên phát triển thành cánh quân độc lập. Năm 304, Uyên xưng làm vua, lập ra nhà Hán, sử gọi là Hán Triệu. Uyên mang quân đánh chiếm đất nhà Tấn.

Tháng 11 năm 306, Huệ Đế Tư Mã Trung bị giết, Hoài Đế Tư Mã Xí được lập lên thay. Nhà Tấn phải đối phó với nguy cơ làm loạn của các ngoại tộc người Hồ tràn lan khắp Trung Nguyên.

Giằng co với quân Hán Triệu

edit

Bộ tướng cũ của Tư Mã Dĩnh là Công Sư Phiên khởi binh báo thù cho chủ. Thứ sử Duyện Châu Tuân Hi đánh bại và giết chết Phiên. Bộ tướng của Phiên là Cấp Tân và Thạch Lặc vẫn không chịu bãi binh. Năm 307, Tân và Lặc mang quân đánh chiếm Nghiệp Thành, giết Tân Thái Vương Tư Mã Đằng. Tư Mã Việt sai Tuân Hi mang quân đánh chiếm lại được Nghiệp Thành. Tân bỏ chạy rồi bị giết, còn Thạch Lặc chạy về hàng Lưu Uyên.

Trong lúc đó, một cuộc nổi dậy do Lưu Bá Căn đứng đầu cũng bị dẹp yên. Căn bị giết, bộ tướng Vương Di đóng quân ở Hà Bắc cũng quy phục Lưu Uyên.

Năm 308, Lưu Uyên sai con là Lưu Thông Nam tiến đánh Thái Nguyên, sai Thạch Lặc đánh đất Triệu, Ngụy, lại lệnh cho Vương Di đánh phá các châu. Vương Di lại liên tiếp khiến các châu Dự, Duyện, Từ, Thanh bị uy hiếp, Thứ sử Thanh Châu Tuân Hi (Tư Mã Việt điều Hi từ Duyện Châu về Thanh Châu) đối phó rất vất vả. Tháng 5 năm đó, Di tấn công Kinh thành Lạc Dương nhưng bị viện binh nhà Tấn đánh bại, phải chạy về nhập vào quân Lưu Uyên.

Tháng 7 năm 308, quân Hán Triệu hạ được Bình Dương (Sơn Tây, Trung Quốc). Lưu Uyên dời đô về đây, xưng làm Hoàng đế.

Tháng 9 năm đó, Vương Di và Thạch Lặc hợp binh tấn công Nghiệp Thành, tướng Hòa Úc bỏ thành chạy. Sau khi chiếm Nghiệp Thành, Thạch Lặc lại cùng tướng Hán Triệu khác là Lưu Linh đánh Ngụy Quận, Cấp Quận, Đốn Khâu, liên tiếp hạ 50 đồn. Các châu quận vùng Ký Nam, Hà Bắc bị tàn phá thời Loạn bát vương, binh lực yếu ớt, nên quân Hán Triệu tiến rất dễ dàng.

Năm 309, Lưu Uyên sai Lưu Thông, Vương Di đánh Thượng Đảng. Thứ sử Tinh Châu Lưu Côn mang quân cứu. Tư Mã Việt ở Lạc Dương cũng sai Vương Khoáng đi cứu. Thông và Di hợp binh đánh bại hai cánh viện binh, sau đó lại chiếm lấy Đồn Lưu, Trưởng Tử khiến tướng giữ Thượng Đảng là Bàng Thuần cùng kế phải đầu hàng. Quận Thượng Đảng chỉ còn thành Tương Viên giữ được, Lưu Côn sai bộ tướng Trương Ỷ đến trấn thủ.

Tháng 8 năm 309, Lưu Uyên tấn công Lạc Dương. Quân Tấn nhân lúc Uyên vừa thắng trận, chủ quan khinh địch, bất ngờ đánh úp khiến Uyên bị thua to, phải rút chạy.

Tháng 10 năm đó, Uyên cùng các tướng Lưu Thông, Vương Di, Lưu Cảnh tấn công Lạc Dương lần thứ hai. Quân Tấn chống trả quyết liệt, giết chết 3 tướng Hô Diên Yến, Hô Diên Hạo, Hô Diên Lãng, lại chặn đường tiếp lương từ huyện Thiểm khiến quân Hán Triệu thiếu lương. Uyên phải rút quân về Bình Dương.

Lạc Dương thất thủ

edit

Năm 310, Lưu Uyên chết, con thứ Lưu Thông giết anh là Lưu Hòa lên ngôi, tức Chiêu Vũ Đế.

Đầu năm 310, tướng Hán Triệu là Vương Di sai bộ tướng Tào Nghi đánh chiếm Đông Bình và tấn công Lang Nha; Thạch Lặc mang quân hợp với Di đánh 3 châu Từ, Duyện, Dự, chiếm được Yên Thành, giết Thứ sử Duyện Châu nhà Tấn là Viên Phu, sau đó đánh chiếm các quận thuộc Ký Châu. Khi đó phần lớn đất đai phía đông Lạc Dương đã bị mất, Thứ sử Thanh Châu Tuân Hi và Thứ sử Dự Châu Phùng Tổng có thực lực nhưng vì bất hòa với Tư Mã Việt nên không phát binh cứu.

Trong lúc đó, Tư Mã Việt lại phạm sai lầm khác. Lưu dân Ung Châu đang ở Nam Dương, Việt hạ lệnh cho dân phải về quê. Lưu dân vì Quan Trung đã bị tàn phá không muốn về, Việt sai quân áp giải ép phải đi. Do đó lưu dân theo Vương Như làm loạn, đánh phá các huyện quanh Lạc Dương khiến nhà Tấn càng nguy khốn, bốn mặt phải thụ địch

Tháng 10 năm 310, các tướng Hán Triệu là Lưu Diệu, Lưu Xán (con Lưu Thông), Vương Di, Thạch Lặc chia đường cùng nhau tấn công Lạc Dương lần thứ ba. Trong thành lại thiếu lương, tình hình rất nguy cấp. Nhưng nội bộ nhà Tấn vẫn bị chia rẽ. Tư Mã Việt chuyên quyền, giết các tâm phúc của Tấn Hoài Đế khiến vua tôi càng mâu thuẫn. Lưu Côn ở Tinh Châu muốn mượn quân Tiên Ty của Thác Bạt Y Lư vào đánh Hung Nô nhưng Tư Mã Việt không nghe, vì sợ các địch thủ Tuân Hi, Phùng Tổng cũng đang trấn thủ phía bắc sẽ thừa cơ cùng tràn vào. Hoài Đế sai người đi cầu cứu, chỉ có Sơn Giản ở Tương Dương và Vương Trừng ở Kinh Châu muốn phát binh, nhưng hai cánh quân này lại bị quân của Vương Như (lưu dân Ung Châu) chặn đánh nên phải rút về cố thủ.

Tháng 11 năm 310, Tư Mã Việt thấy Lạc Dương nguy cấp không thể giữ nổi, bèn mang 4 vạn quân sang Hứa Xương, bỏ lại Hoài Đế. Vương Diễn ở lại Lạc Dương không khống chế được tình hình hỗn loạn. Tháng 3 năm 311, Hoài Đế tức giận viết thư lên Thanh Châu sai Tuân Hi đánh Việt. Việt ở Hứa Xương đang thấy Thạch Lặc đến gần, lại bắt được thư của Hoài Đế gửi cho Tuân Hi, căm giận thành bệnh mà chết. Tư đồ Vương Diễn mang xác Việt ra ngoài chôn cất, bị Thạch Lặc chặn đánh, giết chết mấy vạn quân Tấn. Thạch Lặc bắt được Vương Diễn và quan tài của Tư Mã Việt. Lặc giết Diễn rồi băm xác Việt.

Tuân Hi nhân lúc quân Hán Triệu đi đánh Việt, nới lỏng vòng vây bèn sai người mang xe đến Lạc Dương đón Hoài Đế. Nhưng các đại thần tiếc gia tài nên lần lữa không đi. Sứ của Tuân Hi phải trở về. Mãi sau, liệu tình hình không thể ở được, Hoài Đế đành tự đi bộ với vài chục quan viên, ra ngoài thành Lạc Dương bị lưu dân chặn đường trấn lột hết đồ mang theo, buộc phải quay trở lại

Thạch Lặc cùng Vương Di, Hô Diên Yến biết Lạc Dương đã rất rệu rã, mang quân quay trở lại, ồ ạt tấn công lần thứ tư. Ngày 11 tháng 6, quân Hán Triệu phá được cửa Nam, kéo vào thành, giết 3 vạn quân dân nhà Tấn, bắt sống Hoài Đế và Dương Hoàng hậu thứ hai của Tấn Huệ Đế. Kinh thành Lạc Dương bị cướp bóc và tàn phá.

Trường An thất thủ

edit

Vua Tấn bị bắt nhưng vẫn không ai lập vua thay để có chính lệnh điều khiển thiên hạ cứu vãn tình thế. Tuân Hi nắm được Dự Chương Vương Tư Mã Đoan (cháu Hoài Đế), đang định đưa lên ngôi. Tháng 8 năm 311, tướng Hán là Lưu Xán và Lưu Diệu (con nuôi Lưu Uyên) đánh chiếm Trường An, bắt giết Nam Dương Vương Tư Mã Mô. Sang tháng sau, Thạch Lặc đánh chiếm Mông Thành , bắt sống Tuân Hi và Tư Mã Đoan.

Khi Lạc Dương thất thủ, một người cháu Hoài Đế là Tần Vương Tư Mã Nghiệp chạy về huyện Mật, gặp cậu là Tư không Tuân Phiên. Vừa lúc đó Thứ sử Dự Châu Diêm Đỉnh mộ được vài ngàn quân ở đó, bèn cùng hợp binh cố thủ.

Các tướng Quan Trung là Sách Lâm, Giả Thất dấy binh khôi phục nhà Tấn, được dân Quan Trung hưởng ứng, mang quân bao vây Trường An. Lưu Diệu và Lưu Xán thua trận, phải cố thủ. Tới tháng 4 năm 312, Giả Thất chiếm được Trường An, hai tướng Hán phải bỏ chạy về Bình Dương.

Giả Thất sai người đi đón Tư Mã Nghiệp về Ung Thành rồi rước về Trường An. Tháng 9 năm 312, Nghiệp được tôn làm Thái tử. Nhưng khi quân địch rút lui, các tướng Tấn là Giả Thất, Sách Lâm và Diêm Đỉnh lại tranh giành quyền bính. Tháng 12 năm đó, Giả Thất giao chiến với tướng Hán là Bành Thiên Hộ tử trận. Quân Hán rút đi, Diêm Đỉnh giết Lương Tổng; Sách Lâm và Cúc Doãn lại mang quân đánh và giết chết Diêm Đỉnh.

Năm 313, Tấn Hoài Đế bị Lưu Thông giết ở Bình Dương. Sách Lâm tôn Tư Mã Nghiệp lên ngôi, tức Tấn Mẫn Đế (313-316). Mẫn Đế viết chiếu, triệu các trấn cần vương đánh Hung Nô: Vương Tuấn ở U Châu, Lưu Côn ở Tinh Châu, Tư Mã Bảo (con Tư Mã Mô) ở Thượng Khuê, Tư Mã Tuấn ở Giang Nam. Tuy nhiên Vương Tuấn chỉ lo cát cứ phát triển thế lực riêng, Lưu Côn không đủ thực lực vốn phải dựa vào các bộ lạc người Tiên Ty mới đứng được ở Tinh Châu, Tư Mã Tuấn muốn yên ổn ở Giang Nam, lấy cớ đánh dẹp quân phiến loạn Đỗ Thao nên không phát binh; còn Tư Mã Bảo rất yếu không có khả năng đương đầu với quân Hán.

Sách Lâm và Cúc Doãn ở Trường An phải đơn độc chiến đấu với quân Hung Nô. Dù quân Tấn vài lần đánh lui được địch nhưng ngày càng hao mòn, lại không được tiếp viện nên không thể giữ lâu.

Tháng 8 năm 316, Lưu Diệu tấn công Trường An lần nữa. Thành ngoài bị mất nước, Sách Lâm phải lui vào thành nhỏ. Trong thành giá 1 đấu gạo lên tới 2 lượng vàng . Sách Lâm mưu tính việc riêng, sai người ra nói với Lưu Diệu rằng trong thành đủ lương, nhưng nếu Lâm được phong chức lớn thì Lâm sẽ hàng. Lưu Diệu cự tuyệt.

Ngày 11 tháng 11 (tức 11 tháng 12 DL) năm đó, Mẫn Đế mang ngọc tỷ truyền quốc ra hàng, bị giải về Bình Dương, phong làm Hoài An Hầu. Cúc Doãn tự vẫn trong ngục, Sách Lâm bất trung nên bị Lưu Thông giết chết.

Nhà Tây Tấn diệt vong, tồn tại được 52 năm, có tất cả bốn vua. Hơn 1 năm sau, Mẫn Đế bị Lưu Thông giết ở Bình Dương khi mới 18 tuổi.