Thời hậu chiến

Sau khi Hạng Vũ đã bị phá, Lưu Bang lập tức đoạt lấy quân của Tề Vương Tín lần thứ hai (sau lần ở thành Tu Vũ).Hàn Tín vừa lập được công xong lập tức bị tước binh quyền. Tới tháng 1 năm 202 TCN, Lưu Bang dời Tề Vương Tín làm Sở Vương, đóng đô ở Hạ Bì. Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Đại Hán, tức là Hán Cao Đế.


Hàn Tín về nước, cho gọi bà giặt vải đã cho mình ăn để thưởng ngàn vàng. Rồi ông lại gọi người thanh niên đã bắt mình luồn qua háng cho làm trung úy nước Sở. Mọi người ngạc nhiên, ông nói với các tướng văn võ

Hắn là tráng sĩ đấy, lúc hắn làm nhục ta, ta có phải không giết được hắn đâu? Nhưng giết hắn thì không có danh nghĩa gì.


Viên tướng bỏ trốn của Hạng Vương là Chung Ly Muội nhà ở núi Y Lư, vốn chơi thân với Tín. Sau khi Hạng Vương chết, Muội bỏ trốn về với ông. Hán Cao Đế truy lùng Muội, nghe nói Muội ở Sở, ra chiếu cho Sở Vương bắt Muội.


Năm 201 TCN, có người đưa thư lên báo Sở Vương Tín làm phản. Cao Đế dùng mưu kế của Trần Bình, giả cách thiên tử đi tuần thú hội họp chư hầu. Ở phương Nam có đất Vân Mộng, Hán Đế bèn sai sứ báo cho chư hầu sẽ họp ở đất Trần

Ta sẽ đi chơi Vân Mộng,

kỳ thực vua Hán muốn bắt Hàn Tín, nhưng ông không biết. Cao Tổ sắp đến Sở, Hàn Tín lo lắng vì chứa Chung Ly Muội trong nhà. Có người khuyên ông chém Muội để ra mắt nhà vua thì sẽ khỏi tội.

Ông bèn đến gặp Muội nói về việc ấy, Muội nói:

Nhà Hán sở dĩ không dám đánh lấy Sở là vì Muội ở nhà ông. Nay ông muốn bắt ta để nịnh nhà Hán, thì ta hôm nay chết nhưng ông cũng chết theo như trở tay mà thôi.

Rồi Muội mắng Hàn Tín:

Nhà ngươi không phải bậc trưởng giả!

Sau đó đâm cổ chết. Hàn Tín ôm đầu Muội ra mắt Lưu Bang ở đất Trần. Lưu Bang sai võ sĩ trói ông lại chở ở xe sau. Ông nói:

Đúng như người ta nói: "Thỏ khôn hết thì chó giỏi bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời". Thiên hạ đã bình định rồi, ta bị nấu là đáng lắm.

Lưu Bang đáp:

Người ta bảo nhà ngươi làm phản.

Rồi sai áp giải ông về kinh. Đến Lạc Dương thì tha tội cho ông, giáng phong làm Hoài Âm Hầu. Ý kiến của các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, Lưu Bang nghe theo các cận thần, hoặc tự đặt ra chuyện có người tố cáo Hàn Tín mưu phản để lấy cớ bắt ông mang về kinh quản thúc và giáng chức, kỳ thực Hàn Tín không có tội. Vì vậy khi đưa Hàn Tín từ nước Sở về kinh, lập tức Lưu Bang hạ lệnh tha ông do ông không còn binh quyền trong tay để đe doạ ngai vàng của Lưu Bang