Triết học không chuyên/1/Khái luận về lịch sử triết học
Lịch sử triết học và đối tượng của khoa học lịch sử triết học
editĐể nhận thức một cách sâu sắc về triết học cũng như rèn luyện năng lực tư duy, cần phải nghiên cứu lịch sử triết học. Lịch sử triết học là lịch sử hình thành, phát triển tư tưởng triết học qua các giai đoạn phát triển của xã hội; là lịch sử đấu tranh giữa các trường phái triết học, mà điển hình là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm; giữa phương pháp biện chứng với phương pháp siêu hình; là lịch sử gạt bỏ và kế thừa lẫn nhau của các tư tưởng triết học qua các giai đoạn lịch sử, cũng như giữa các dân tộc và các vùng với nhau.
Từ nhu cầu nghiên cứu lịch sử triết học đã ra đời bộ môn khoa học lịch sử triết học. Đối tượng của khoa học lịch sử triết học là nghiên cứu làm rõ lịch sử hình thành, phát triển và nội dung tư tưởng của các học thuyết triết học dưới các biểu hiện cụ thể của nó trong từng giai đoạn lịch sử, làm rõ cuộc đấu tranh giữa hai trường phái triết học (chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm), giữa hai phương pháp triết học (phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình).
Với tư cách là một khoa học, khoa học lịch sử triết học không dừng lại mô tả sự hình thành, phát triển và nội dung tư tưởng của các học thuyết triết học trong lịch sử, mà phải đi sâu nghiên cứu tìm ra được lôgíc nội tại, được các quy luật hình thành, phát triển của triết học. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể nhận thức một cách sâu sắc các tư tưởng triết học trong lịch sử.
Khoa học lịch sử triết học phải đi sâu nghiên cứu chỉ ra được mối quan hệ giữa các học thuyết triết học với thực tiễn xã hội, với cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, các lực lượng xã hội. Đồng thời làm rõ thực chất các học thuyết triết học, đánh giá được những giá trị, cũng như những hạn chế và vai trò lịch sử của các học thuyết triết học đó.
Khoa học lịch sử triết học còn phải nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ lẫn nhau giữa các học thuyết triết học, sự gạt bỏ và kế thừa lẫn nhau giữa các tư tưởng triết học qua các giai đoạn lịch sử; sự thâm nhập lẫn nhau giữa các tư tưởng triết học của các dân tộc, các quốc gia và các vùng với nhau; sự thâm nhập lẫn nhau và tác động qua lại lẫn nhau giữa triết học với các hình thái ý thức xã hội khác trong quá trình phát triển.
Như vậy, khoa học lịch sử triết học phải nghiên cứu tìm ra được quy luật hình thành, phát triển của các học thuyết triết học và vai trò của nó đối với phát triển tư duy lý luận nói riêng, đời sống xã hội nói chung.
Tính quy luật về sự hình thành, phát triển của lịch sử tư tưởng triết học
editLịch sử triết học chỉ thực sự trở thành một khoa học khi nó tìm ra được tính quy luật hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học. Bởi vì, chỉ khi đó, chúng ta mới không dừng lại sự mô tả các sự kiện mà đi đến phân tích lô gích, tìm ra được cơ sở sâu xa của quá trình hình thành, phát triển và nội dung tư tưởng của các học thuyết triết học; cũng như sự thay thế lẫn nhau của các học thuyết triết học trong lịch sử.
Theo quan điểm Mácxít, lịch sử phát triển tư tưởng triết học có tính quy luật của nó. Trong đó, các tính quy luật chung là: sự hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học gắn liền với điều kiện kinh tế- xã hội, với cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, các lực lượng xã hội; với các thành tựu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; với sự thâm nhập và đấu tranh giữa các trường phái triết học với nhau.
Là một hình thái ý thức xã hội, sự hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học gắn liền với các điều kiện kinh tế- xã hội, với cuộc đấu tranh của các giai cấp, các lực lượng xã hội. Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội, mỗi giai cấp, mỗi lực lượng xã hội khác nhau sẽ xây dựng nên các hệ thống triết học khác nhau. Sự phát triển và thay thế lẫn nhau giữa các hệ thống triết học trong lịch sử là phản ánh sự biến đổi và thay thế lẫn nhau giữa các chế độ xã hội, phản ánh cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, các lực lượng trong xã hội. Chính vì vậy, nghiên cứu lịch sử triết học không thể tách rời điều kiện kinh tế- xã hội, điều kiện giai cấp và đấu tranh giai cấp đã sinh ra nó.
Là một hình thái ý thức xã hội có tính khái quát, lịch sử phát triển của tư tưởng triết học không thể tách rời các thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sự phát triển của triết học, một mặt phải khái quát được các thành tựu của khoa học, mặt khác nó phải đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học trong từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy, mỗi giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, thì triết học cũng có một bước phát triển. Đúng như Ph. Ăng ghen đã nhận định: "Với những phát minh mới mang tính thời đại thì triết học cũng phải thay đổi hình thức...". Do đó, việc nghiên cứu lịch sử triết học không thể tách rời các giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên.
Trong lịch sử triết học luôn luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học, mà điển hình nhất là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Trong quá trình đấu tranh đó, các trường phái triết học vừa gạt bỏ lẫn nhau, vừa kế thừa lẫn nhau, và mỗi hình thái đều không ngừng biến đổi, phát triển lên một trình độ mới cao hơn. Chính cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học đã làm cho triết học không ngừng phát triển. Đó là lôgíc nội tại trong quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng triết học. Việc nghiên cứu lịch sử triết học không thể tách rời cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học trong lịch sử.
Sự phát triển của triết học trong lịch sử không chỉ diễn ra quá trình thay thế lẫn nhau giữa các học thuyết triết học mà còn bao hàm sự kế thừa lẫn nhau giữa chúng. Các học thuyết triết học giai đoạn sau thường kế thừa những tư tưởng nhất định của triết học giai đoạn trước và cải biến, phát triển cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới. Đó chính là sự phủ định biện chứng trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học. Việc nghiên cứu lịch sử triết học đòi hỏi phải nghiên cứu sự kế thừa lẫn nhau giữa các tư tưởng triết học.
Lịch sử phát triển tư tưởng triết học không chỉ gắn liền với từng quốc gia, dân tộc, mà còn có sự tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau giữa tư tưởng triết học của các quốc gia, dân tộc cũng như giữa các vùng với nhau. Sự tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau đó góp phần thúc đẩy tư tưởng triết học nhân loại nói chung, tư tưởng triết học từng dân tộc nói riêng phát triển. Sự phát triển của tư tưởng triết học vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại.
Sự phát triển của triết học không chỉ trong sự tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau giữa các tư tưởng triết học, mà còn giữa triết học với chính trị, tôn giáo, nghệ thuật… Sự tác động qua lại lẫn nhau đó làm cho hình thức phát triển của triết học rất đa dạng. Triết học không chỉ là cơ sở lý luận cho các hình thái ý thức xã hội khác, mà nhiều khi còn thể hiện thông qua các hình thái ý thức xã hội khác, như biểu hiện thông qua chính trị, thông qua tôn giáo, thông qua nghệ thuật… Điều đó cho thấy, nhiều khi nghiên cứu các tư tưởng triết học phải thông qua nghiên cứu, khái quát từ các hình thái ý thức xã hội khác.
Phân kỳ lịch sử triết học
editLịch sử hình thành, phát triển triết học trải qua nhiều thời kỳ khác nhau. Phân kỳ lịch sử triết học là cơ sở để đi sâu nghiên cứu lịch sử triết học một cách khoa học. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về phân kỳ lịch sử triết học. Theo quan điểm Macxit, việc phân kỳ lịch sử triết học cần dựa trên những căn cứ cơ bản sau:
Triết học là một hình thái ý thức xã hội và là một bộ phận cấu thành của kiến trúc thượng tầng, nó hình thành, phát triển gắn liền với sự hình thành, phát triển và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của các hình thái kinh tế - xã hội sẽ hình thành nên các học thuyết triết học khác nhau. Cho nên phân kỳ lịch sử triết học cần phải dựa vào các giai đoạn phát triển và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. Đó là triết học xã hội nô lệ, triết học xã hội phong kiến, triết học thời kỳ quá độ từ xã hội phong kiến lên xã hội tư bản (thời kỳ phục hưng và cận đại), triết học trong xã hội tư bản…
Sự phát triển của triết học luôn luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Mỗi giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, triết học đều có bước phát triển mới. Vì vậy, phân kỳ lịch sử triết học còn phải gắn liền với các giai đoạn phát triển của khoa học tự nhiên. Như triết học thời kỳ khoa học tự nhiên mới bắt đầu hình thành thời kỳ cổ đại, triết học thời kỳ khoa học tự nhiên đi sâu vào khoa học thực nghiệm thế kỷ XVII - XVIII, triết học thời kỳ khoa học tự nhiên đi sâu vào khái quát những quy luật chung của tự nhiên cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, triết học trong thời kỳ khoa học tự nhiên bắt đầu vào nghiên cứu thế giới vi mô cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, triết học trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay.
Do nhiều yếu tố tác động khác nhau, lịch sử triết học còn có những bước ngoặt mang tính cách mạng trong quá trình phát triển. Điều đó đòi hỏi phân kỳ lịch sử triết học cần phải tính đến những bước ngoặt trong sự phát triển của triết học. Chẳng hạn, triết học cổ điển Đức vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã nâng phép biện chứng lên thành một hệ thống lý luận có tính khái quát cao. Đặc biệt phải nói đến sự ra đời của triết học Mác đã tạo ra một bước ngoặt cách mạng trong lịch sử triết học.
Sự phát triển của triết học không thể tách rời những điều kiện cụ thể về tự nhiên, về kinh tế - xã hội, về văn hóa… của từng vùng, từng dân tộc. Những điều kiện cụ thể đó tạo nên những nét độc đáo riêng về tư tưởng triết học của từng vùng, từng dân tộc. Vì vậy, phân kỳ lịch sử triết học còn phải gắn liền với từng vùng, từng dân tộc. Chẳng hạn phân ra triết học phương Đông và triết học phương Tây, trên cơ sở đó lại chia ra triết học ở các nước khác nhau và các thời kỳ khác nhau.
Phân kỳ lịch sử triết học dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, cho nên có nhiều cách phân kỳ khác nhau. Mỗi cách phân kỳ thỏa mãn được tiêu chí này lại hạn chế về tiêu chí kia. Để khắc phục điều đó, thông thường trong phân kỳ lịch sử triết học phải kết hợp nhiều tiêu chí.
Trong cuốn tài liệu này, lịch sử triết học được chia ra:
- Triết học phương Đông cổ, Trung đại
- Triết học phương Tây cổ, Trung, Cận và hiện đại
- Triết học Mác - Lênin
Cách phân kỳ này vừa kết hợp nét đặc thù của từng vùng với các thời kỳ phát triển khác nhau của triết học gắn liền với các hình thái kinh tế - xã hội và với những bước ngoặt trong sự phát triển của triết học.