Lịch sử Đông Hán

Quang Vũ trung hưng

edit
 


Khi vừa hoàn thành việc thống nhất quốc gia, Hán Quang Vũ Đế lập tức dẹp bỏ việc võ mà sửa việc văn, chủ trương cai trị thiên hạ bằng nhu đạo. Ông chú trọng tới việc giải phóng cho nô tỳ, tranh thủ sự đồng tình của những người nghèo khổ trong xã hội.

Năm 39, ông xuống chiếu lệnh cho các quận, huyện kiểm tra lại số ruộng đất trồng trọt, hộ khẩu và tuổi tác người dân trong nước, gọi là độ điền. Mục đích của việc làm này là hạn chế việc chiếm hữu quá nhiều đất của địa chủ. Ông thúc đẩy xây dựng thuỷ lợi tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, việc áp dụng không được hiệu quả như mong muốn của ông. Các quan lại e ngại thế lực của các địa chủ nên không dám truy số ruộng đất mà họ chiếm hữu. Tuy Quang Vũ Đế có trừng phạt một số việc làm sai trái nhưng không thay đổi tình hình được nhiều. Việc này chỉ mang lại sự làm dịu mâu thuẫn về đất đai so với trước và điều đó ít nhiều có tác dụng kích thích nông dân tham gia sản xuất, hồi phục kinh tế đất nước.

Một khó khăn cho nhà nước Đông Hán non trẻ là việc tái thiết lại nền kinh tế sau những năm nội chiến và thiên tai hoành hành ở vùng Hoàng Hà dưới thời Vương Mãng. Quang Vũ Đế đã thi hành nhiều chính sách tích cực như giảm thuế từ 1/10 sản lượng xuống 1/30 sản lượng như thời Hán Văn ĐếHán Cảnh Đế, phục viên binh lính để tăng thêm nhân lực cho khu vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình thủy lợi, không tăng thêm số lính ở vùng biên cương,... nhờ vậy tình hình xã hội tương đối ổn định. Những nông dân tản cư được đưa về quê cũ. Các quan liêu phú hào có nhiều ruộng đất không khai báo trung thực về số đất đai và nhân khẩu sở hữu để trốn thuế.

Nhằm kiểm soát dân số và hạn chế quyền lực của quan lại địa phương, Quang Vũ Đế thi hành chính sách lộ điền, những người sở hữu nhiều ruộng đất không được phép mua bán ruộng và xây dựng lực lượng vũ trang riêng. Quang Vũ Đế xuống chiếu cho các địa phương phải đăng ký lại số ruộng và hộ khẩu thực tế, khi phát hiện ra sự việc gian trá, hơn 10 quan viên cao cấp phạm tội đã bị xử tử. Tuy nhiên do không thực thi triệt để nên về sau tình trạng này vẫn tái diễn. Đến năm 57 khi Quang Vũ Đế qua đời, mới chỉ có 21 triệu người đóng thuế.

Quang Vũ đế phát triển kinh tế bằng cách giảm thuế, nhiều đến mức tối đa mà ông cho là có thể: ở mức 10 hay 13% sản lượng hay lợi nhuận.

Hán Quang Vũ Đế đề xướng việc tiết kiệm, giảm quan, bớt chức, bãi bỏ quân vũ trang địa phương cho về quê làm ruộng. Ông còn giảm bớt chức quận đô uý, tăng trách nhiệm cho thái thú. Hán Quang Vũ Đế thu gọn bộ máy chính quyền từ huyện, ấp, đạo, chỉ giữ lại 1/4 trong số đó. Vì vậy số quan lại hưởng lương chỉ bằng 1/10 thời Tây Hán. Binh lính tại các quận, huyện cũng được cho giải tán bớt về quê để bớt khẩu phần ăn theo; các vùng biên ải cũng không tuyển thêm quân. Do bớt quan chức, gánh nặng chi phí cũng giảm, vì vậy thuế đóng góp của nhân dân cũng bớt đi.

Ông tái lập lại chế độ phong vương cho con cháu (Vương quốc) và phong hầu cho công thần (Hầu quốc), chia lại đất đai cho nông dân và các quý tộc. Tầng lớp thượng lưu được ban cấp nhiều ruộng đất. Chính sách này về sau được Triệu Khuông Dẫn, hoàng đế khai quốc nhà Tống áp dụng. Số người được phong hầu trong vương thất là 125 người, trong các công thần là 365 người. Đối với các công thần, Hán Quang Vũ Đế ban thưởng công lao rất hậu nhưng không để họ can thiệp vào việc triều chính, cũng như không để họ có thực lực, thực quyền làm phát sinh tranh chấp quyền lực giữa thiên tử và chư hầu như đầu thời Tây Hán.

Năm 57, Hán Quang Vũ Đế qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Ông ở ngôi tất cả 32 năm. Thụy hiệu được dâng là Thế Tổ Quang Vũ hoàng đế (世祖光武皇帝).

Thái tử Lưu Trang lên nối ngôi, tức là Hán Minh Đế, tiếp tục cai trị nhà Hán trở lại thời gian cực thịnh.

Minh Chương chi trị

edit

Nhà Đông Hán dưới Triều đại của Hán Minh Đế (57 - 75), Hán Chương Đế (75 - 88) tiếp tục đạt tới thời kỳ thịnh vượng, thời kỳ này được gọi là Minh Chương chi trị (明章之治).

Dưới Triều đại của 2 vị Hoàng đế này, nhà Hán tiếp tục được mở rộng lãnh thổ, thu phục được Hung Nô và làm chủ Tây Vực. Đặc biệt là việc thành lập Con đường tơ lụa vào thời kỳ này, giúp quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Đông, Trung Á ngày càng phát triển. Việc Trung Quốc trở nên thịnh vượng lại làm xuất hiện cố gắng mở rộng về phía tây.

[[Tập tin:Transasia trade routes 1stC CE gr2.png|nhỏ|450px|Con đường tơ lụa (絲綢之路)]]

Đời Hán Minh Đế, Lư Phương cát cứ vùng An Định được Hung Nô ủng hộ đã chiếm các quận Ngũ Nguyên, Sóc Phương, Vân Trung, Định Tương, Nhạn Môn, giúp cho Hung Nô có cơ sở tiến xuống phía nam. Quang Vũ Đế không đủ sức chống trả nên phải bỏ khu vực từ Hà Sáo đến Tinh Châu và phía bắc U Châu, dời tất cả dân cư vào nội địa.

Khoảng năm 45, Hung Nô bị nhiều nạn hạn hán và một nạn châu chấu, súc vật chết nhiều, dân đói. Nước chia làm hai: Bắc sống độc lập, Nam lệ thuộc Hán; Quang Vũ Đế mưu mô gây sự bất hòa giữa hai bên. Nhằm cắt đứt liên hệ giữa Bắc và Nam Hung Nô nhà Đông Hán cho đặt Độ Liêu Tướng quân xây đồn lũy ở các vùng Ngũ Nguyên, Mang Bá (đông nam của Đạt Lạp Đặc Kỳ thuộc Nội Mông). Qua đời sau Hán Minh Đế làm tuyệt đường giao thông giữa Bắc và Nam Hung Nô, rồi sai Đậu Cố (竇固) đánh Bắc Hung Nô, chiếm đất làm đồn điền.

Năm 73, Đại tướng quân Đậu Cố đã chỉ huy quân Hán tấn công miền Nam Hung Nô. Năm 88, Xa kỵ tướng quân Đậu Hiến (竇憲) đem quân đánh Hung Nô, Bắc Thiền vu bỏ trốn, hơn 2 vạn người đầu hàng. Quân Hán đánh thẳng lên núi Yến Nhiên (núi Hàng Ái, Mông Cổ) lập bia đá kỷ niệm chiến công ở đó. Năm 90, quân Hán đoạt lại Y Ngô Lư, cùng với quân Nam Hung nô tiến đến Kê Lộc Tán (tây Hàng Cẩm Hậu Kỳ, Mông cổ) để tấn công Hung Nô. Năm 91, Đại tướng quân Đậu Hiến dẫn quân Hán bao vây Bắc Thiền vu của Hung Nô tại núi Kim Huy (Antai), một bộ phận người Hung nô bỏ chạy sang Ô Tôn, Bắc Hung nô bị đánh bại triệt để, từ đó dời bỏ Cao nguyên Mông Cổ phải dời sang phía tây.

Năm 97, con trai Ban Siêu là Ban Dũng gửi Sứ thần Cam Anh đến phía tây đến được nước Điều Chi bên vịnh Ba Tư chuẩn bị vượt biển để đến Đế quốc La Mã thì người nước An Tức (Ba Tư) nói: " Biển rất rộng, gặp gió xuôi phải 3 tháng mới vượt qua được, nếu gió ngược thì phải mất 2 năm. Cho nên người vượt biển ai cũng phải chuẩn bị đủ lương thực 3 năm để dùng. Đó là chưa nói sống trên biển rất dễ bị bệnh nhớ quê hương cho nên luôn có người chết ngoài biển". Nghe lời nói đó, Cam Anh không dám vượt biển, đành quay trở về. Tuy nhiên đến năm 166, một phái đoàn La Mã đã thông thương với Đông Hán.

Đến giữa thế kỷ thứ nhất, trải qua sự thống trị của 3 đời hoàng đế Hán Quang Vũ Đế, Hán Minh ĐếHán Chương Đế thì Vương triều Đông Hán đã từng bước lấy lại sự thịnh vượng của nhà Hán trước đây. Các tướng lĩnh như Cảnh Yểm, Đậu Cố, Ban Siêu mở mang bờ cõi đến tận biển Caspian và nước Ukraina hiện nay, quan hệ trực tiếp với Đế quốc Parthia và gửi các đoàn sứ thần đến Đế quốc La Mã cũng đang thời kỳ hoàng kim tại châu Âu.

Thái hậu chuyên quyền

edit

Từ đời Hán Chương Đế còn tại vị, họa ngoại thích của hoàng hậu đã bắt đầu nhem nhúm khi Chương Đức Đậu hoàng hậu ra sức tăng cường thế lực dòng họ Đậu (竇), áp chế các quyền thần trong triều.

Việc Hoàng thái hậu toàn quyền nhiếp chính xảy ra liên tiếp trong các đời về sau: Hán Hòa Đế (88 - 105), Hán Thương Đế (106), Hán An Đế (106 - 125), Hán Thuận Đế (125 - 144).

Năm 88, Hán Hòa Đế Lưu Triệu kế vị, Đậu hoàng hậu trở thành Đậu thái hậu, nắm quyền nhiếp chính trong nhiều năm. Đậu Hiến (竇憲), anh trai của Đậu thái hậu được giữ chức Xa kỵ tướng quân (車騎將軍), sau chiến công bình định Bắc Hung Nô lừng lẫy, được phong Đại tướng quân (大將軍). Năm 91, ông truy kích Bắc Hung Nô đại thắng, quyền hành nhất trong triều đình, uy danh lừng lẫy. Thời kỳ tại vị của Hán Hòa Đế, uy danh và quyền lực của nhà Hán đạt đến độ cực thịnh, khi mà Thái Luân chế tạo ra giấy, tạo bước phát triển mới cho văn hóa; Ban Cố viết Hán Thư, Đậu Hiến ra tay dẹp Hung Nô. Đại tướng quân Đậu Hiến sau chiến công đó thì trở nên kiêu ngạo, dựa vào Đậu Thái hậu mà phô trương thế lực, tỏ ra coi thường Hòa Đế, khiến Hòa Đế đem lòng ghét bỏ, mưu trừ Đậu Hiến và ngoại thích họ Đậu. Năm 92, Hán Hòa Đế ra tay dẹp bỏ ngoại thích họ Đậu, giết chết Đậu Hiến, giam lỏng Đậu Thái hậu. Do ông dựa vào hoạn quan Trịnh Chúng (鄭眾) để giết được Đậu Hiến, nên ban thưởng ông ta và trọng dụng thân tín. Họa hoạn quan khiến nhà Hán tàn vong về sau bắt đầu từ đây.

Trong cung, ông sủng ái Quý nhân Đặng Tuy và lập bà làm Hoàng hậu, vì quá thương yêu bà, ông cho bà can thiệp triều chính. Đặng hoàng hậu là người uyên bác, hiểu lễ nghĩa, không can thiệp quá sâu như Đậu hoàng hậu lúc trước. Năm 105, Hán Hòa Đế qua đời, Thái tử Lưu Long (劉隆) kế vị, tức Hán Thương Đế, Đặng hoàng hậu lên làm Hoàng thái hậu nhiếp chính, lại trọng dụng họ Đặng (鄧), phong cho anh là Đặng Chất (鄧騭) làm Xa Kỵ tướng quân (車騎將軍). Hán Thương Đế chết khi còn rất nhỏ, Đặng Thái hậu lại lập Lưu Hỗ - con của Thanh Hà Hiếu vương Lưu Khánh (劉慶), con trưởng của Hán Chương Đế và là anh ruột của Hán Hòa Đế – lúc đó mới 12 tuổi lên ngôi, tức là Hán An Đế. Đặng thái hậu tuy được đánh giá là một vị Hoàng hậu có tài năng, tuy nhiên việc thâu tóm quyền lực về bản thân quá nhiều đã làm mâu thuẫn đối với vị hoàng đế trẻ Hán An Đế, khiến cho sau này An Đế ra tay dẹp trừ hoàn toàn dòng dõi họ Đặng, dẫn đến tuyệt hậu.

Năm 125, Hán An Đế Lưu Hỗ băng hà, Bắc Hương Hầu Lưu Ý được dòng họ Diêm (閻) của An Tư Diêm hoàng hậu đưa lên ngôi, nhưng 7 tháng sau thì ốm chết. Diêm Thái hậu dùng binh biến, chống lại hoạn quân Tôn Trình (孫程) muốn lập hoàng tử Lưu Bảo kế vị. Cuộc chiến xảy ra trong nhiều tháng, cuối cùng Diêm thái hậu và phe cánh họ Diêm đại bại. Lưu Bảo mới 11 tuổi được đưa lên ngôi, tức là Hán Thuận Đế. Cho dù Hán Thuận Đế là người năng lực kém cỏi trong việc cai trị và nạn tham nhũng không bị ngăn chặn, hòa bình vẫn được đảm bảo.

Năm 132, Thuận Đế lấy vợ là Thuận Liệt Lương Hoàng hậu, từ đó họ Lương (梁) bắt đầu tham gia triều chính. Họ Lương có nguồn gốc từ Lương Nhiễu, làm Thái thú quận Tửu Tuyền thời Vương Mãng, cùng Đậu Dung cát cứ đất Hà Tây, sau về hàng Quang Vũ Đế được phong hầu, kết thông gia với Quang Vũ Đế. Năm 135, Thành Thạch hầu Lương Thượng, cha Hoàng hậu được phong làm Đại tư mã chỉ huy quân đội, kiểm soát triều chính. Tuy nhiên Lương Thượng lại là người trong sạch và trung thực, nhiều khi nhân nhượng không muốn trừng phạt những người vi phạm pháp luật. Trong các năm (136 -138) tại miền Nam, nhiều cuộc nổi dậy của dân chúng nổ ra tại miền nam. Vào năm 139, người Khương lại nổi dậy, cuộc nổi dậy kéo dài mãi trong suốt đời Thuận Đế, Triều đình hao tổn rất nhiều quân phí và binh lực đánh dẹp. Năm 141, người Khương đánh bại quân Hán do Mã Hiển chỉ huy và tiến đến gần Trường An, đốt cháy lăng mộ các vua triều Tây Hán. Tại địa hạt Kinh Châu (Hồ Nam, Hồ Bắc, Nam Hà Nam) và Dương Châu (Giang Tây, Chiết Giang, Trung và Nam Giang Tô, An Huy), tình hình cũng không yên ổn bởi các cuộc nổi dậy của các bộ tộc ít người.

Năm 141, Lương Thượng chết, Hán Thuận Đế đưa con ông ta là Lương Ký lên thay, phong làm Đại tướng quân. Em Lương Ký là Lương Bất Nghi làm Hà Nam doãn. Nhà họ Lương có tất cả bảy người được phong tước hầu, 3 người tấn phong Hoàng hậu, 6 người được nạp làm Quý nhân, 2 người làm Đại tướng quân, 57 người tham gia bộ máy chính quyền.

Lương Ký lộng hành

edit

Đại tướng quân Lương Ký (梁冀), xuất thân từ ngoại thích họ Lương đã thao túng triều đình qua nhiều đời hoàng đế nhà Hán: Hán Xung Đế (145 - 146), Hán Chất Đế (145 - 146), Hán Hoàn Đế (146 - 167).

Năm 144, Hán Thuận Đế chết, Lương hoàng hậu trở thành Hoàng thái hậu, đưa Thái tử Lưu Bỉnh lên kế vị, tức Hán Xung Đế.

Hán Xung Đế làm vua chỉ được một thời gian thì chết yểu. Lương thái hậu ngay lập tức cho phát tang, bố cáo toàn thiên hạ. Bà triệu tập cháu 4 đời của Hán Chương Đế là Thanh Hà vương Lưu Toán (劉蒜) cùng Lưu Toản (劉纘), con của Bắc Hải vương Lưu Hồng (劉鴻) về Lạc Dương để quyết định người kế vị. Các đông đảo đại thần xin lập Lưu Toán vì ông đã trưởng thành, đảm đương được trọng trách nhưng Lương Ký lại muốn lập Lưu Toản để dễ bề điều khiển chính sự. Cuối cùng, Lương thái hậu lập Lưu Toản mới 8 tuổi làm Hoàng đế, tức Hán Chất Đế. Lương Ký thông qua Lương thái hậu nắm toàn bộ quyền hành trong triều.

Hán Chất Đế Lưu Toản tuổi tuy còn nhỏ nhưng lại vô cùng thông minh. Biết Lương Ký lấy thân thế là ngoại thích mà lên chức Đại tướng quân, chuyên quyền nơi triều chính, lấn át đại thần, đến cả Hoàng đế cũng không bỏ vào trong mắt, vì thế Lưu Toản rất khó chịu với Lương Ký. Một lần đương triều, Lương Ký múa may loạn xạ, Lưu Toản bèn nói một câu Thực là ngang ngược tướng quân. Không ngờ câu nói này khiến cho vị hoàng đế trẻ tuổi thành đoản mệnh. Lương Ký sai người hạ độc vào trong thực phẩm của Hoàng đế, lúc đó Hán Chất Đế chỉ vừa 9 tuổi.

Quần thần lại dấy lên kiến nghị, đòi lập Lưu Toán làm Hoàng đế. Nhưng Lương Ký lại kiến nghị với Lương thái hậu, lập Ngô Lễ hầu Lưu Chí làm Hoàng đế, người đã hứa hôn với Lương Nữ Oánh, em gái bà và Lương Ký. Lưu Chí lên ngôi trở thành Hán Hoàn Đế. Lương thái hậu tiếp tục nhiếp chính như trước, nhưng Lương Ký đã có quyền hành quá lớn, đẩy được Lý Cố (李固) ra khỏi triều đình khi ông này phản đối việc lên ngôi của Hán Hoàn Đế.

Năm 147, Hán Hoàn Đế lập Lương Nữ Oánh, em gái Lương thái hậu làm Hoàng hậu. Trong triều, Lương Ký ngày càng lộng quyền, đổ tội cho Lý Cổ và Lưu Toán có ý mưu phản, khiến Lưu Toán phải tự sát. Lý Cổ cùng nhiều đại thần trong triều bị xử tử.

Sau khi không còn thế lực chống đối, Lương Ký tha hồ vơ vét của cải của dân chúng, tài sản có đến 4 tỷ đồng, chiếm một nửa ngân khố của nhà nước, những người bình dân cũng bị Lương Ký bắt làm nô tỳ.

Năm 159, Lương Thái hậu chết, phe cánh họ Lương của Lương Ký bị Hán Hoàn Đế diệt trừ, tài sản bị sung công, dân chúng nghe tin đều vui mừng. Việc điều hành quốc gia bắt đầu rơi vào tay tầng lớp hoạn quan sau khi Hoàn Đế phải dựa vào nhóm này để trừ khử quyền thần Lương Ký. Các hoạn quan gồm Đơn Siêu (單超), Từ Hoàng (徐璜), Cụ Viên (具瑗), Tả Quán (左悺), Đường Hành (唐衡) do có công tiêu diệt Lương Ký được Hoàn đế phong hầu trong một ngày được gọi là Ngũ hầu (五侯). Đơn Siêu được phong Tân phong hầu, ban thực ấp 2 vạn hộ; Từ Hoàng được phong Vũ nguyên hầu, ban thực ấp 1,5 vạn hộ; Cụ Viên được phong Đông Vũ dương hầu, ban thực ấp 1,5 vạn hộ; Tả Quán được phong Thượng thái hầu, ban thực ấp 1,3 vạn hộ; Đường Hành được phong Như dương hầu, ban thực ấp 1,3 vạn hộ.

Hoạn quan chuyên quyền

edit

Trong thời gian nắm quyền, hoạn quan đã phát động hai đợt thanh trừng lớn, qua đó bức hại và loại trừ hầu hết các bậc trung thần hoặc những người không cùng phe cánh. Lịch sử gọi sự kiện này là Họa đảng cố (黨锢之祸). Triều đình Đông Hán thời kỳ này trở nên vô cùng hủ bại, việc mua quan bán tước được định giá công khai.

Năm 168, Hán Hoàn Đế qua đời, Hoàn Tư Đậu hoàng hậu tuyên bố lên làm Hoàng thái hậu nhiếp chính. Bà thoả thuận lựa chọn một đứa trẻ 12 tuổi ở nông thôn tên là Lưu Hoằng con của Giải độc đình hầu Lưu Trường, chút của Hán Chương Đế. Sau đó, bà cùng với Đậu Vũ (竇武) đón Lưu Hoằng vào cung lập làm hoàng đế, tức Hán Linh Đế. Trong thời Hán Linh Đế một cuộc xung đột xảy ra giữa hoạn quan và các quan chức theo Khổng giáo. Phái Khổng giáo từ lâu vốn không thích các hoạn quan, coi họ là thiếu giáo dục và gây trở ngại cho một triều đình tốt.

Sự bành trướng thế lực của các bè phái cũng dẫn đến việc lôi kéo nhân tài về phía mình để củng cố lực lượng, tầng lớp trí thức bị chia rẽ rõ rệt. Một số a dua với ngoại thích hoặc hoạn quan theo đuổi quyền lợi phe phái được gọi là tầng lớp "trọc lưu". Đối lại với lớp trọc lưu là những phần tử nho học chân chính ủng hộ vương quyền thực sự của hoàng đế, được gọi là phái "Thanh lưu". Những lãnh tụ của phái Thanh lưu có thể kể ra đây như Lý Ưng, Trần Phiên, Vương Sướng, Phạm Bàng, Quách Thái...

Chiến tranh xảy ra giữa các hoạn quan và phái Khổng giáo về sự ảnh hưởng của một vị phù thuỷ Đạo giáo. Vị phù thuỷ Đạo giáo tiên đoán rằng một lòng khoan dung khắp nơi sắp đến và sai con mình đi giết một người nào đó để bày tỏ sự tin tưởng vào sự tiên tri đó. Con trai của ông là người hầu cận của các hoạn quan, và các hoạn quan đã ngăn chặn sự hành hình của vị phù thuỷ. Tuy nhiên vị quan cai trị vẫn hành hình con vị phù thuỷ. Các hoạn quan buộc tội vị quan cai trị vi phạm vào điều luật của đế chế và âm mưu với sinh viên và những bậc trí thức để thành lập một liên minh bất hợp pháp nhằm chống lại chính quyền. Các hoạn quan có được lệnh từ Hán Linh Đế, ra lệnh bắt giữ các sinh viên dám biểu tình và dám tìm cách khấn nguyện lên hoàng đế. Và nhanh chóng, họ giết nhiều sinh viên trong ngục.

Sau nhiều năm tranh chấp chính quyền và các nhà cai trị không có thực lực, nhà Đông Hán dần suy vong. Ở một quốc gia coi Khổng giáo là quốc giáo, là bộ quy tắc ứng xử quan trọng nhất mà quyền lực thật sự lại không nằm trong tay các đồ đệ chân chính của Khổng Tử. Guồng máy nhà nước đã không được vận hành theo một cơ cấu hợp lý bởi thiếu những bộ óc lãnh đạo xứng đáng, và hệ quả tất yếu của nó là sự suy đồi của nền kinh tế. Thương nghiệp thoái hóa, cơ cấu kinh tế, nông nghiệp hoàn toàn bị phá vỡ bởi sự lộng hành của quý tộc địa chủ. Số lượng tiền tệ giảm bớt. Vàng gần như biến mất. Chinh phạt liên miên (đánh người Khương ở miền bắc, dẹp khởi loạn trong nước…) khiến quân phí tăng vọt (mấy mươi năm triều An đế, quân phí lên tới 70 triệu quan), do đó bắt buộc triều đình càng phải gia tăng thuế vụ, nhân dân bị bần cùng hóa.

Nhà Hán diệt vong

edit

Một người theo Đạo giáo tên là Trương Giác, quê ở quận Cự Lộc (Ký Châu, Hà Bắc) tự cho mình là "đại hiền lương sư", đã đi quanh vùng làng quê giống như Trương Lăng. Ông tập hợp các tín đồ giáo dân ủng hộ mình, làm nên cuộc Khởi nghĩa Hoàng Cân (黃巾之亂), nghĩa là Khởi nghĩa Khăn Vàng, được đặt theo kiểu đội đầu của phong trào – màu vàng biểu thị sự liên kết của họ với yếu tố đất như đối kháng với yếu tố lửa, mà họ coi là của nhà Hán.

Hoảng sợ trước sự đấu tranh của cuộc nổi loạn, chính phủ Ðông Hán và các tập đoàn quân phiệt ở các địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng để đàn áp. Chỉ trong vòng 10 tháng Trương Giác đã bị đánh bại. Dư đảng quân Hoàng Cân còn ở khắp nơi hoành hành quấy nhiễu, quân triều đình qua cuộc chiến cũng bị thiệt hại nặng nề nên không đủ khả năng giúp các địa phương trấn áp triệt để. Tình thế ấy khiến cho Hoàng đế nhà Hán có một quyết sách rất mạo hiểm là mau chóng khuếch đại quyền hạn cho các thứ sử, cho phép họ thành lập quân đội riêng để tự dẹp loạn, đổi chức thứ sử một số châu thành chức châu mục (州牧). Chức mục bắt đầu ra đời từ đó, bấy giờ là năm 188. Các châu mục mau chóng có quyền hạn lớn, lực lượng độc lập, triều đình cũng nhanh chóng mất đi quyền chỉ huy khống chế các địa phương, tình trạng quần hùng cát cứ đã manh nha xuất hiện.

Năm 189, Hán Linh Đế qua đời, con trai của Hà hoàng hậu là Lưu Biện lên kế vị, tức Hán Thiếu Đế. Đại tướng quân Hà Tiến (何進) nắm trong tay thế lực ngoại thích, có mâu thuẫn với các hoạn quan trong Thập thường thị (十常侍) là Trương Nhượng (張讓). Hà Tiến vì muốn dẹp trừ thế lực hoạn quan, đã nghe theo lời Viên Thiệu (袁紹), lệnh cho Thứ sử Tây LươngĐổng Trác (董卓) dẫn đại binh Tây Lương về Lạc Dương. Trong thời gian Đổng Trác đến Lạc Dương, Hà Tiến trong cung bị các hoạn quan giết hại, sau Viên Thiệu là thủ hạ của Hà Tiến đem quân vào cung giết hết các hoạn quan. Đổng Trác vào kinh đô, mau chóng nắm hết đại quyền, đuổi Viên Thiệu phải chạy ra khỏi Lạc Dương, sau đó ông vào cung phế truất Hán Thiếu Đế Lưu Biện, giáng làm Hoằng Nông vương (弘農王), lập Trần Lưu vương Lưu Hiệp (劉協) kế vị, tức Hán Hiến Đế. Năm 192, Đổng Trác bị Lữ Bố (吕布) giết hại, chính quyền nhà Đông Hán bước sang thời kỳ phân liệt hỗn loạn.

Đương thời, Đại Hán bị phân chia thành các thế lực: Tào Tháo (曹操) ở Duyện Châu; Viên Thiệu ở Hà Bắc; Viên Thuật (袁術) ở Hoài Nam; Tôn Sách (孙策) ở Giang Đông; Lưu Biểu (孫策) ở Kinh ChâuLưu Yên (劉焉) ở Ích Châu. Các sứ quân này đều dùng binh đao chiến đấu với nhau, riêng Tào Tháo nổi lên nắm quyền trong triều, rước Hán Hiến Đế về Hứa Xương, lập triều đình ở đấy, với ý định Hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu (挾天子以令諸侯), kèm chặt Thiên tử để lệnh các chư hầu thuần phục. Với lợi thế đó, Tào Tháo dần tiêu diệt các phe cánh nhỏ, sau trận Quan Độ tiêu diệt được đại địch là Viên Thiệu. Chiếm được 4 châu phía Bắc của họ Viên, Tào Tháo về cơ bản đã thống nhất được miền Bắc Trung Nguyên.

Hán Hiến Đế khôi phục chức vụ Thừa tướng, phong cho Tào Tháo chức vị này. Từ đó Tào Tháo ngày càng quyền thế trong triều. Ông quyết định Nam chinh, thu phục Giang Đông nhưng bị đại bại trong trận Xích Bích, bị liên minh Lưu - Tôn của Lưu Bị (劉備) và Tôn Quyền (孫權) đánh bại. Tào Tháo rút quân về miền Bắc, không thân chinh Nam tiến lần nào nữa cho đến khi qua đời. Lưu Bị nhân đó chiếm Kinh Châu, làm căn cơ để phát triển thế lực. Cục diện Tào-Lưu-Tôn căn bản đã hình thành.

Năm 220, Tào Tháo qua đời, con của ông là Tào Phi (曹丕) đã phế bỏ Hán Hiến Đế, hơn 400 năm cai trị của nhà Hán chấm dứt. Tào Phi lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại Tào Ngụy ở miền bắc Trung Quốc, bắt đầu thời kỳ Tam Quốc (Bắc Ngụy, Tây Thục, Đông Ngô) kéo dài 60 năm (220 - 280) nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.